(TSVN) – Thức ăn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của tuyến sinh dục và lợi nhuận tổng thể của trại nuôi nhím biển. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ kết hợp rong biển và thức ăn công thức thế nào để phát huy hiệu quả.
Thử nghiệm của J. et al. 2020 được tiến hành tại trại nuôi bào ngư Wild Coast Abalone gần Haga‐Haga, phía Đông Cape Town, Nam Phi. Chọn nhím biển Tripneustes gratilla lớn (50 – 85 mm/con), thuần hóa trong bể 10 ngày trước khi thử nghiệm. Suốt thời gian này, nhím biển được cho ăn tảo U. rigida trồng tại trang trại để phục hồi sau stress do va chạm trong qua trình thu gom, vận chuyển và thuần hóa. Nhím biển bị bỏ đói trong 7 tuần sau đó mới lấy 10 mẫu giải phẫu để xác định sự suy giảm kích cỡ tuyến sinh dục.
Nhím biển được nuôi trong 3 bể thông khí tại một hệ thống RAS, trang bị máy lọc sinh học và bơm cấp nhiệt để kiểm soát chất lượng nước tốt hơn. Nhiệt độ trung bình của nước hàng tuần dao động 22 – 24°C, trừ tháng 2 là 20 – 21°C. Thay 22% nước mới hàng ngày tại hệ thống RAS còn toàn bộ bể được thay nước 4 giờ/lần. Mỗi bể có 8 túi treo lơ lửng. Mỗi nghiệm thức lặp lại 2 lần/bể và các túi với nghiệm thức khác nhau được phân ngẫu nhiên vào mỗi bể, lặp lại 3 lần trên 4 nghiệm thức. Mật độ nhím biển ở mỗi túi treo khoảng 115 con/m².
Thử nghiệm với 4 nghiệm thức kéo dài 18 tuần. 3 trong số này chứa thành phần tảo biển: tảo tươi U. rigida, một hỗn hợp 50:50 tảo tươi G. gracilis, tảo tươi U. rigida (UG) và tảo tươi G. gracilis (G), tất cả đều được trồng tại trang trại Wild Coast Abalone. Nghiệm thức cuối cùng gồm thức ăn công thức kết hợp 200 g tảo khô U. rigida/kg thức ăn, gọi là khẩu phần 20U. Nhím biển được cho ăn đến khi no. Ghi chép số nhím biển chết và loại bỏ hàng ngày, vệ sinh túi treo 1 lần/tuần. Không thay thế nhím biển suốt thử nghiệm.
Tỷ lệ sống của nhím biển trong thử nghiệm (92,7 ± 2,1%) tương tự nhiều kết quả nghiên cứu trước đây trên nhím biển T. gratilla và các loài khác.
Nhím biển ăn tảo tươi (U. rigida; hỗn hợp U. rigida + G. gracilis, hoặc G. gracilis) đạt tăng trưởng sinh dưỡng (trọng lượng, đường kính và chiều dài) tương tự nhóm nhím biển được cho ăn bằng thức ăn công thức (20U).
Về hiệu quả của thức ăn và tác động từ sự thay đổi khẩu phần lên các hệ số thành thục (GSI) và trọng lượng tuyến sinh dục, nhóm nghiên cứu .J. et al. 2020 nhận thấy sự khác nhau giữa GSI của nhím biển T. gratilla ăn thức ăn công thức và ăn tảo biển tươi từ tuần thứ 6 của nghiên cứu. Nhím biển ăn thức ăn công thức đạt chỉ số GSI cao hơn gần gấp đôi (14,37 ± 1,3%) nhóm nhím biển ăn rong tảo tươi (U = 7,64 ± 1%; UG = 8,21 ± 1,8%; G = 8,27 ± 1,3%). Xu hướng này tiếp tục đến khi thử nghiệm kết thúc.
Chỉ số GSI của nhím biển T. gratilla ăn thức ăn công thức đạt tỷ lệ tăng trưởng 1,35%/tuần và đạt giá trị GSI 22,2% vào cuối thử nghiệm. Nghiên cứu này khẳng định rằng hiệu quả của khẩu phần 20U đối với nhím biển T. gratilla là làm tăng GSI và tăng trưởng tuyến sinh dục hơn hẳn khẩu phần tảo biển tươi. Tuyến sinh dục đạt sản lượng cao nhất ở nhóm nhím biển ăn thức ăn công thức nhờ hàm lượng protein trong thức ăn công thức cao hơn so tảo biển.
Trong nghiên cứu trên, màu sắc tuyến sinh dục của nhím biển ăn tảo U. rigida hoặc hỗn hợp tảo U. rigida và G. gracilis được cải thiện dần theo thời gian, trong khi đó tuyến sinh dục của nhím biển ăn khẩu phần công thức lại nhạt dần. Kết cấu và độ chắc của tuyến sinh dục tương tự nhau ở các nghiệm thức, nhìn chung đều săn chắc và mịn.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra tảo biển tươi (U. rigida và G. gracilis) và thức ăn công thức đạt hiệu quả tương tự nhau về tăng trưởng sinh dưỡng của nhím biển cỡ lớn T. gratilla. Thức ăn công thức cho sản lượng cao hơn nhờ thúc đẩy tăng trưởng của tuyến sinh dục và chỉ số GSI so tảo biển tươi; tuy nhiên, thức ăn công thức lại khiến tuyến sinh dục có màu nhạt hơn, không bắt mắt như màu vàng cam của tuyến sinh dục nhím biển ăn tảo tươi.
Nếu nuôi nhím biển ngay từ đầu bằng rong tảo biển cũng sẽ không ảnh hưởng đến tăng trưởng sinh dưỡng. Tuy nhiên, chuyển sang khẩu phần công thức giàu protein bổ sung tảo biển U. rigida sẽ thúc đẩy tuyến sinh dục phát triển nhanh hơn và đạt chất lượng cao hơn.
TS John J. Bolton
Khoa Công nghệ Sinh học và Viện Nghiên cứu Hải dương
Đại học Cape Town, Nam Phi