Thấy gì từ nuôi trồng thủy sản Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 90% toàn thế giới. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 70%.

Sản lượng, diện tích tăng nhanh

Nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) Trung Quốc có lịch sử lâu đời. Từ khi “mở cửa” thương mại những năm 1980, NTTS nhanh chóng trở thành ngành tăng trưởng hàng đầu trong số các ngành công nông nghiệp. Nếu diện tích NTTS năm 2003 là 7,1 triệu ha thì năm 2009 đã tăng lên 11%, vượt 7,2 triệu tấn. Sản lượng NTTS tăng từ 1,23 triệu tấn năm 1979 lên 9,57 triệu tấn năm 1993; 30,28 triệu tấn năm 2003; 36,2 triệu tấn năm 2009; 38 triệu tấn năm 2010. Năm 2011, con số này đạt 56,1 triệu tấn, tăng 4,4% so với 52,5 triệu tấn năm 2010. Nuôi nội địa và nuôi biển đều được coi trọng.

Cá chép và những loài thuộc họ cá chép là những loài được nuôi chủ yếu ở Trung Quốc, chiếm khoảng 44% tổng sản lượng NTTS. Năm 2002, sản lượng cá chép bạc và cá chép đầu to là 5,1 triệu tấn, cá trắm cỏ là 3,4 triệu tấn, cá chép thường 2,2 triệu tấn, cá diếc bạc 1,7 triệu tấn và cá chép đen 224.529 tấn. Cá tráp biển và cá tráp mũi ngắn cũng được nuôi ở quy mô lớn với sản lượng hàng năm khoảng 564.086 tấn. Động vật thân mềm cũng là loài nuôi biển chính của NTTS Trung Quốc, chiếm khoảng 33,20% sản lượng. Trong năm 2002, động vật thân mềm nuôi đạt sản lượng khá cao, hàu đạt 3,63 triệu tấn, nghêu 2,30 triệu tấn, sò điệp 935.585 tấn, vẹm 663.866 tấn và sò dao cạo 635.486 tấn.


Dùng lưới bắt cá chép tại hồ Vạn Đảo, Chiết Giang      Ảnh: Telegraph.co.uk

Trong khi các loài nuôi truyền thống đã phát triển, Trung Quốc cũng chú trọng đến các loài nuôi có giá trị cao như cua lông, tôm, lươn, ếch, tôm sông, rùa, cá tầm, cá bơn, cá bơn Nhật Bản, cá mú, ngọc trai, bào ngư, dưa chuột biển… Sản lượng của các loài có giá trị cao hiện nay chiếm khoảng 30% tổng sản lượng NTTS, cao hơn nhiều so với 1% vào năm 1979.

 

Đối phó nguy cơ thiếu bền vững

Sự phát triển nhanh của ngành NTTS ở Trung Quốc không chỉ góp phần cải thiện nguồn cung cấp thực phẩm, mà còn tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, chính sự gia tăng này cũng khiến NTTS nước này đối diện nhiều thách thức. Các chuyên gia trong ngành đang lo ngại rằng, sự phát triển quá nhanh về diện tích sẽ gây ra sự không bền vững trong thời gian sắp tới.

Trung Quốc là điển hình nhập khẩu nguyên liệu. Hàng năm, quốc gia này tăng kim ngạch xuất khẩu là nhờ tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu rất lớn, tới 40 – 50%. Năm 2010, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 4,3 tỷ USD nguyên liệu thủy sản, tăng 17,42% so với năm 2009 và tăng 20% vào năm 2011. Điều này phần nào lý giải vì sao một khối lượng đáng kể cá do ngư dân khai thác chưa kịp đến tay doanh nghiệp chế biến Việt Nam đã bị thương lái Trung Quốc tranh mua ngay trên biển hoặc tại các cảng cá.

Dân số Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng từ mức hiện tại 1,2 tỷ người lên 1,6 tỷ năm 2026. Điều này sẽ làm giảm hơn nữa tài nguyên đất đai cho bình quân đầu người trong sản xuất lương thực. Mặc dù, chắc chắn nhu cầu về tiêu thụ đối với cả hai sản phẩm động vật thấp và chất lượng cao, đặc biệt là thủy sản sẽ gia tăng nhưng chính điều này vừa tạo cơ hội, vừa mang thách thức đến cho ngành NTTS Trung Quốc.

Thêm vào đó, hiện nay Trung Quốc đang có nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng. Do đó, việc xây dựng hệ thống sản xuất bền vững môi trường nhằm tiết kiệm nước, thức ăn… là hết sức cần thiết. Đồng thời, thủy triều đỏ ở các vùng ven biển, lũ lụt ở hệ thống sông chính và gió cát ở phía tây bắc Trung Quốc thường xuyên xảy ra hơn, càng thêm trở ngại cho NTTS.

Trung Quốc cũng đang tăng cường các chính sách mở rộng NTTS và giảm khai thác cá biển tự nhiên từ các ngư trường truyền thống. Năm 1999, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định duy trì mức gia tăng “0” trong sản lượng đánh bắt cá biển.

Sản lượng NTTS Trung Quốc từ năm 1950 – 2010 (Nguồn: Fao.org)

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang tích cực đa dạng các đối tượng nuôi mới tiềm năng dưới sự hướng dẫn cụ thể, nhằm ổn định sản lượng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Một mục tiêu nữa trong tương lai ngành NTTS Trung Quốc là mở rộng hệ thống quản lý HACCP nhằm đảm bảo sản phẩm thủy sản an toàn.

Nhìn chung, tiến bộ khoa học thủy sản và công nghệ ở Trung Quốc chưa theo kịp các hoạt động sản xuất. Do đó, cần phải tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu nhằm đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành NTTS. Chẳng hạn như, đầu tư hỗ trợ sản xuất giống, thuần hóa một số loài kinh tế quan trọng; Cải thiện dinh dưỡng và tìm kiếm cho các nguồn protein phi truyền thống; Cải thiện hoạt động quản lý trang trại để NTTS thân thiện môi trường và bền vững hơn..

>> Theo báo cáo của ngành NTTS Trung Quốc năm 2011 – 2012, năm 2011, sản lượng thủy sản của nước này đạt 56,1 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm trước đó. Chênh lệch giữa sản lượng thủy sản nước mặn và nước ngọt đang dần thu hẹp, lần lượt chiếm 51,9% và 48,1%.

Hải Băng

Fao; Lib; Worldfishcenter

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!