Thế mạnh ba ba gai

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ba ba gai là loài đặc sản dễ nuôi, ít bệnh, thị trường ổn định. Hiện, đây là đối tượng được nuôi phồ biến ở nhiều địa phương khắp cả nước, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị cao và hướng đến xuất khẩu.

Đặc điểm sinh học

Ba ba gai (Palea steindachneri) là một loài rùa trong họ Trionychidae. Ba ba có mũi dài, mai có màu nâu đến xám với nhiều nốt sần không đều, yếm gần như trắng toàn bộ (có vài vết mờ hoặc lốm đốm), cá thể non có viền màu trắng nhạt, từ phía sau mắt đến đầu. Đặc điểm phân biệt rõ ràng với các loài ba ba khác là có các vết ngấn da sần ở cổ, rìa trước và trên mai có nhiều nốt sần. Ở Việt Nam, ba ba gai phân bố tự nhiên ở các sông, suối đầm hồ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Ba ba gai là loài đẻ trứng thụ tinh trong. Khi mới nở ba ba gai có khối lượng từ 5 – 8 g/con. Trong điều kiện nuôi từ cỡ giống 50 – 100 g/con, sau 1 năm ba ba gai có thể đạt trọng lượng từ 0,5 – 1 kg, sau năm thứ 2 đạt từ 1 – 3 kg. Ngoài tự nhiên ba ba gai có thể bắt đầu sinh sản từ 4 – 6 tuổi; trong điều kiện nuôi dưỡng tốt từ 3 – 5 năm, ba ba có trọng lượng 2,5 – 3,5 kg thì bắt đầu đẻ trứng.

Ba ba gai sống ở dưới nước nhưng đẻ trứng trên cạn, mùa sinh sản thường vào mùa mưa. Ban đêm ba ba gai bò lên bãi cát ven suối, bờ ao tìm chỗ kín đáo có đất, cát ẩm bới làm tổ và đẻ trứng.

Ba ba gai có thịt thơm, da dày và giòn hơn hẳn các loại ba ba khác nên cho giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích. Vì vậy, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ ba ba rất lớn, được sử dụng làm thực phẩm, dược phẩm… và có giá trị xuất khẩu cao. Nhờ đó, nghề nuôi ba ba gai ngày càng phát triển và nhân rộng khắp cả nước, bao gồm cả sản xuất con giống và nuôi thương phẩm.

Phát triển hơn nữa

Nhờ phát triển có định hướng, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên chất lượng sản phẩm ba ba gai không ngừng được nâng cao, đủ sức cạnh tranh và có đầu ra ổn định trên thị trường. Hiện, nghề nuôi ba ba gai phát triển khắp cả nước, tập trung tại nhiều địa phương như: Yên Bái, Sơn La, Hải Dương, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Đồng Tháp… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tại tỉnh Yên Bái, nghề nuôi ba ba gai đã và đang được huyện Văn Chấn quan tâm phát triển. Cuối năm 2020, Cục Sở hữu Trí tuệ ban hành Quyết định số 4520/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00089 cho sản phẩm ba ba gai thương phẩm “Văn Chấn”. Ba ba gai Văn Chấn thịt ít mỡ, chắc và có độ giòn, khi chế biến ninh lâu, thịt và phần mai mềm không bị nhũn, nấu không hao thịt. Do ba ba gai được nuôi tại huyện Văn Chấn có những đặc tính nổi bật, nên hiện nay trên thị trường ba ba gai giống cỡ 40 – 50 g/con có giá từ 200.000 – 300.000 đồng/con và ba ba gai thương phẩm có giá 500.000 – 600.000 đồng/kg (cao gấp 2 lần so với ba ba trơn và 25 – 30% so với ba ba gai nuôi ở vùng khác).

Mô hình nuôi ba ba gai được nhiều địa phương nhân rộng. Ảnh: DV

Để tiếp tục phát huy tiềm năng về ba ba gai, vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành hai quyết định phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, thực hiện từ năm 2020 và 2021. Theo đó, nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được phê duyệt, trong đó có Dự án: “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất giống ba ba gai toàn đực” thuộc đề tài công nghệ và khoa học tiềm năng. Mục tiêu dự án là xây dựng được quy trình sản xuất giống ba ba gai đơn tính đực. Kết quả: Quy trình sản xuất giống ba ba gai đơn tính đực: tỷ lệ nở >75%; tỷ lệ ba ba đực >85%; tạo ra được từ 500 con ba ba gai đơn tính đực, cỡ >0,5 kg/con. Thời gian thực hiện 2021 – 2022, giao trực tiếp Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản thực hiện.

Được biết, năm 2020, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã lựa chọn ba ba gai là sản phẩm OCOP của địa phương. Xã xây dựng đề án “Mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn xã theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2020 – 2025”, trong đó địa phương hướng tới mở rộng diện tích nuôi ba ba gai và xác định đây là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!