Theo dõi ao nuôi tôm bằng điện thoại di động

Chưa có đánh giá về bài viết

Hệ thống giám sát môi trường nước bằng điện thoại di động hiện được nhiều địa phương nghiên cứu và ứng dụng vào trong nuôi trồng thủy sản như An Giang, Sóc Trăng. Theo đó, người nuôi dễ dàng kiểm soát và chủ động xử lý khi yếu tố môi trường bất lợi với đối tượng nuôi.

Nguyên lý hoạt động

Hệ thống giám sát nồng độ ôxy hòa tan và nhiệt độ qua điện thoại di động sẽ liên tục thu tín hiệu môi trường nước ao nuôi bằng thiết bị lấy mẫu nước; thiết bị này được kết nối với bộ phận cảm biến thu số liệu rồi chuyển thông tin tới bộ điều khiển. Theo đó, các dữ liệu về môi trường sẽ được xử lý bởi bộ điều khiển trung tâm. Bộ điều khiển sẽ đọc, xử lý tín hiệu và gửi giá trị nhiệt độ, nồng độ ôxy, thời gian đo và vị trí điểm đo lên điện thoại di động thông qua phần mềm chuyên dụng được cài đặt trên điện thoại. Dựa vào đó, người nuôi dễ dàng giám sát giá trị nhiệt độ và ôxy của ao nuôi trực tuyến.

hệ thống giám sát nồng độ ôxy hòa tan và nhiệt độ bằng điện thoại di động

Hệ thống giám sát nồng độ ôxy hòa tan và nhiệt độ bằng điện thoại di động

Khi nhiệt độ và nồng độ ôxy nằm ngoài ngưỡng cho phép đã cài đặt sẵn thì hệ thống sẽ tự động: Cảnh báo bằng đèn báo động, còi báo động ngay tại ao tôm, giúp người nuôi có thể xử lý kịp thời như quạt nước cung cấp ôxy… Ngoài ra, hệ thống có thể cảnh báo từ xa, như: Phần mềm trên điện thoại di động sẽ phát loa thông báo hoặc gửi tin nhắn, nhờ đó người nuôi có thể giám sát và xử lý ở bất cứ nơi đâu.

 

Ứng dụng trong thực tiễn

Hệ thống giám sát này được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang thử nghiệm tại hộ ông Nguyễn Bá Thạnh, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn từ 25/4/2016. Đối tương nuôi thử nghiệm là tôm càng xanh trong ao nuôi diện tích 4.000 m2. Với mật độ thả nuôi tôm giống 30 con/m2. Nguồn tôm giống do hộ nuôi tự sản xuất, trong quá trình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tươi sống.

Hiện tại, tôm đang phát triển tốt. Điểm thu mẫu nước giám sát được đặt tại 2 vị trí (giữa ao và bờ ao). Hệ thống giám sát gồm thiết bị lấy mẫu nước từ ao tôm thông qua bộ điều khiển máy bơm và các van chọn vị trí đo và phần mềm giám sát trên điện thoại di động. Sau đó, nước được bơm vào 1 bồn có đặt 2 cảm biến: 1 cảm biến đo nhiệt độ, 1 cảm biến đo nồng độ ôxy (DO). Hệ thống giám sát chất lượng nước được cài đặt các giá trị: Nhiệt độ cao nhất 300C, nhiệt độ thấp nhất 280C; nồng độ ôxy cao nhất 6 mg/lít, nồng độ ôxy thấp nhất 3 mg/lít.

Kết quả cho thấy: Nhiệt độ nước ao nuôi có sự chênh lệnh giữa ngày và đêm dao động trong khoảng 28,9 – 330C. Nhiệt độ thấp nhất rơi vào khoảng 4 – 8 giờ sáng, cao nhất rơi vào khoảng 12 – 17 giờ. Khi nhiệt độ cao hơn 300C hoặc thấp hơn 280C, hệ thống sẽ phát tín hiệu và gửi tin nhắn đến điện thoại của chủ hộ. Từ đó, chủ hộ có biện pháp xử lý phù hợp.

Ôxy nước ao nuôi cũng có sự chênh lệnh giữa ngày và đêm dao động trong khoảng 2,6 – 8,7 mg/lít. Ôxy thấp nhất rơi vào khoảng 4 – 7 giờ sáng, cao nhất vào khoảng 13 – 15 giờ. Khi ôxy cao hơn 6 mg/lít hoặc thấp hơn 3 mg/lít, hệ thống sẽ phát tín hiệu và gửi tin nhắn đến điện thoại của chủ hộ. Chủ hộ sẽ vận hành quạt nước để cung cấp ôxy cho ao nuôi trong trường hợp ôxy xuống thấp hơn 3 mg/lít.

Ông Trần Phú Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang cho biết, bằng hệ thống giám sát ôxy hòa tan và nhiệt độ bằng điện thoại di động, người nuôi có thể nắm bắt được tình hình nhiệt độ, ôxy hòa tan trong ao nuôi vào mọi thời điểm trong ngày. Theo đó, có thể đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp như: giảm lượng thức ăn, tăng cường quạt nước hay nâng cao mực nước trong ao để có thể ổn định môi trường nước. Hệ thống này hứa hẹn sẽ tạo ra mô hình sản xuất có giá trị cao hơn.

>> Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang: Đến cuối tháng 9/2016, tôm nuôi trong mô hình thử nghiệm sẽ tiến hành thu hoạch và đánh giá hiệu quả kinh tế một cách toàn diện hơn. Qua đó, có thể áp dụng vào thực tiễn và nhân rộng.

Gia Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!