Thức ăn công thức chất lượng cao: Phát huy ưu thế trong sản xuất tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Để tối ưu hiệu quả sản xuất tôm giống, thức ăn phải được duy trì ổn định suốt thời gian sản xuất; tuy nhiên, chất lượng và số lượng thức ăn tươi sống lại liên tục thay đổi dưới tác động của mùa vụ và thời tiết; ngoài ra, thức ăn tươi sống còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về lây nhiễm mầm bệnh. Vì vậy, việc sử dụng thức ăn công nghiệp Vitalis trong khẩu phần của tôm bố mẹ phát huy hiệu quả vượt trội vào những thời điểm nguồn cung thức ăn tươi sống không ổn định, hoặc ở các giai đoạn yêu cầu an toàn sinh học cao.

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng cho quá trình thúc đẩy thành thục ở tôm bố mẹ. Loại thức ăn và độ tươi đều ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng nauplii sản xuất được. Vitalis 2.5 được nghiên cứu và sản xuất bởi Skretting Pháp. Công thức chứa hàm lượng cao của các thành phần protein dễ hấp thụ, tảo, axit béo omega-3 (DHA/EPA), vitamin và khoáng chất. Hàm lượng protein cao trong viên thức ăn thúc đẩy quá trình thành thục và tần suất sinh sản của tôm bố mẹ. Hạt thức ăn có đường kính 2,5 mm và chiều dài khoảng 5 mm. Nhờ vào quy trình sản xuất công nghệ cao, viên thức ăn có kết cấu bền trong nước nhưng lại rất mềm mại đối với tôm. Sau đây là một số vấn đề cần lưu ý giúp phát huy tối đa ưu thế của từng loại thức ăn cho tôm bố mẹ.

Xác định tỷ lệ cho ăn

Thông thường, tôm bố mẹ được cho ăn với 26% đến 30% khối lượng cơ thể mỗi ngày (khối lượng ướt). Cần theo dõi số lần giao vĩ và tốc độ tăng trưởng của tôm bố mẹ để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Có thể bắt đầu cho ăn ở mức 26% trọng lượng cơ thể, sau đó tăng, giảm tỷ lệ này dựa vào sức ăn của tôm và lượng nauplii tôm sản xuất được. Khẩu phần ăn nên được chia thành 6 đến 8 cữ, trong đó thức ăn công nghiệp như Vitalis 2.5 nên được chia thành 4 – 6 cữ.

Sử dụng Vitalis cho tôm bố mẹ Ảnh: SK

Sử dụng xen kẽ khẩu phần ăn chứa Vitalis 2.5 với các cữ thức ăn tươi sống truyền thống liên tục trong hai tuần giúp tôm làm quen với loại thức ăn mới này. Lưu ý: Không trộn hoặc sử dụng cả 2 loại thức ăn trong cùng một cữ ăn, vì tôm luôn ưa chuộng thức ăn tươi sống hơn. Sau đó, giảm dần lượng thức ăn tươi sống đến khi đạt tỷ lệ sử dụng mong muốn.

Tỷ lệ sử dụng tham khảo trong thời gian đầu giúp tôm làm quen với thức ăn công nghiệp Vitalis 2.5 (% khối lượng cơ thể ướt).

Lưu trữ thức ăn

Thức ăn sau khi mua về nên được sử dụng hết trong vòng hai tháng. Không nên lưu giữ quá nhiều thức ăn trong kho để tránh các rủi ro như giảm độ tươi, giảm chất dinh dưỡng. Tuy nhiên cũng cần tính toán sao cho thức ăn không bị thiếu trong quá trình sản xuất.

Thức ăn tươi sống lẫn thức ăn công nghiệp đều cần được bảo quản trong tủ đông nhằm duy trì chất lượng thức ăn ở mức cao nhất. Thức ăn cũ nên được sử dụng hết trước khi dùng đến thức ăn mới.

Sơ chế thức ăn

Thức ăn tươi sống trước khi sử dụng cần được kiểm tra các chỉ tiêu về vi sinh để tránh lây nhiễm mầm bệnh vào hệ thống nuôi. Bảng cho ăn ở từng khu vực cần thể hiện rõ tỷ lệ, loại thức ăn, lượng cho ăn ở mỗi cữ và in màu để quá trình chuẩn bị thức ăn được dễ dàng hơn. Trước mỗi cữ ăn, lượng thức ăn cần dùng dựa trên bảng này được lấy ra khỏi tủ đông.

Trong trường hợp sử dụng rươi đông lạnh, rươi cần được rã đông hoàn toàn trước, sau đó cân lượng cần dùng và cho vào các khay ăn riêng của từng bể.

Mực không cần rã đông hoàn toàn, mực được cắt thành các mảnh vuông 5 cm và cân theo khẩu phần cho từng bể.

Artemia cần được cho ăn khi còn đông lạnh. Sử dụng dao sắc để cắt nhỏ các khối Artemia. Các khối Artemia nhỏ này khi cho vào các bể sẽ từ từ rã ra và được phát tán quanh bể theo dòng nước. Nên tắt máy khí khi sử dụng để Artemia có thể tan và chìm xuống đáy bể. Nếu bật máy khí, các khối Artemia bị đẩy lên mặt nước và bị cuốn vào giữa bể, sau đó thoát ra ngoài theo ống lù gây lãng phí thức ăn.

Khu vực chế biến

Khu vực chế biến là nơi chuẩn bị tất cả các loại thức ăn, do đó, cần phải được quản lý chặt chẽ. Giữ vệ sinh tất cả dụng cụ và khu vực chế biến giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.

Tất cả các dụng cụ tiếp xúc với thức ăn như dụng cụ cắt, bề mặt cắt và hộp đựng phải được khử trùng bằng thuốc tẩy và phơi khô trước và sau khi sử dụng. Cần chuẩn bị một thùng Chlorine nồng độ 540 ppm tại khu chế biến, dành riêng cho khâu khử trùng dụng cụ và khay đựng thức ăn.

Quản lý hệ thống nuôi

Trong hệ thống nuôi tôm bố mẹ, vấn đề vệ sinh nước và bộ lọc luôn được chú trọng. Quá trình vệ sinh không đảm bảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất do các vấn đề về vi khuẩn, tảo nở hoa, hàm lượng cao các tạp chất rắn và nấm trong nước nuôi. Thức ăn thừa, xác tôm chết hoặc vỏ tôm lột cần được loại bỏ khỏi bể nuôi mỗi ngày. Đây là một bước quan trọng trong vấn đề giữ vệ sinh môi trường nước cho bể nuôi.

Hàng ngày, các bể tôm bố mẹ nên được xiphong để loại bỏ chất bẩn, các mảnh thức ăn thừa, hoặc cát từ hệ thống lọc cát. Đồng thời, cũng có thể sử dụng vợt lưới để vớt thức ăn dư thừa và vỏ tôm sau mỗi cữ cho ăn.

Trong quá trình xiphong và vớt chất thải nên giảm hệ thống khí trong bể để tránh xáo trộn chất bẩn trong cột nước. Sử dụng vợt lưới rà dưới đáy bể một cách chậm rãi, thu các mảng vụn và cố giữ cho chúng không rơi ra khỏi vợt. Khi tất cả chất thải đã được lấy ra khỏi bể sẽ được tập trung trong trong một cái thùng và được xử lý sau khi hoàn tất công đoạn làm sạch.

>> Yêu cầu thị trường về chất lượng tôm giống ngày càng cao, vì vậy các trại giống cũng không ngừng nâng cao quy trình nuôi của mình. Nắm bắt xu hướng này, Skretting Việt Nam đã nhập khẩu sản phẩm thức ăn công nghiệp Vitalis 2.5 (cho tôm bố mẹ) và PL (cho tôm post), giúp các trại giống nâng cao an toàn sinh học và chủ động hơn trong sản xuất tôm giống chất lượng cao.

Quý người nuôi vui lòng liên hệ đội ngũ kinh doanh và dịch vụ kỹ thuật của Skretting tại địa phương để được hỗ trợ sớm nhất.

Thanh Trúc

Skretting Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!