Thực trạng chuỗi giá trị Sá Sùng ở tỉnh Quảng Ninh và đề xuất mô hình liên kết có hiệu quả nhằm nâng cao giá trị của chuỗi trong thời kỳ mới (phần 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nghề khai thác, sơ chế và chế biến Sá Sùng đã có từ lâu đời ở Quảng Ninh, đây là nguồn sinh kế của một bộ phận không nhỏ người dân địa phương. Kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị Sá Sùng cho thấy có 4 tác nhân chính tham gia vào chuỗi, trong đó hộ thu gom chiếm 61,26% tổng giá trị toàn chuỗi, ba tác nhân còn lại chiếm 38,74%.

Tác nhân hộ thu gom không làm ra tăng giá trị, mà giá trị gia tăng chủ yếu là ăn chênh lệch giá; trong khi đó người sản xuất trực tiếp ra sản phẩm lại thu về phần giá trị khoảng trên 10%. Để nâng cao giá trị của chuỗi, các hộ khai thác, sơ chế và chế biến phải liên kết lại với nhau bằng cách thành lập tổ, đội sản xuất hoặc một loại hình doanh nghiệp…, sau đó thu mua sản phẩm Sá Sùng ở địa phương, xây dựng thương hiệu và kênh bán hàng riêng cho mình, sau khi hoạch toán kinh tế, phần lợi nhuận thu được sẽ được phân bổ đều cho các thành viên nếu là tổ đội, hoặc theo vốn góp nếu là loại hình doanh nghiệp.

Tóm tắt

Sá Sùng là một trong những đặc sản quý mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho tỉnh Quảng Ninh, trong đó 70% sản lượng được sản xuất ở huyện Vân Đồn. Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) Quảng Ninh, năm 2010, toàn tỉnh có diện tích 3.500 ha, cho sản lượng khai thác 300 tấn tươi và 30 tấn khô, giá trị sản lượng tươi đạt 60 tỷ đồng và qua chế biến đạt 105 tỷ đồng.

Sá Sùng không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những người dân nghèo ven biển. Bình quân mỗi người tham gia khai thác cho thu nhập từ 200-250 nghìn đồng/ngày, hộ chế biến khoảng 250-300 nghìn đồng/hộ/ngày. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ nghèo sống phụ thuộc vào nguồn lợi này ở địa phương, trong đó có đến 95% người nghèo là phụ nữ và trẻ em tham ra khai thác. Tuy nhiên hiện nay, các hộ trung gian thu gom và bán lẻ cuối cùng Sá Sùng lại chiếm phần lớn giá trị chuỗi. Từ những nghịch lý trong việc phân bổ giá trị giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị Sá Sùng, cần thiết phải “Nghiên cứu chuỗi giá trị Sá Sùng ở tỉnh Quảng Ninh”, trên cơ sở đó tìm ra những khâu bất hợp lý để đề xuất mô hình liên kết có hiệu quả, nhằm nâng cao giá trị của chuỗi trong thời kỳ mới.

Nghiên cứu được tiếp cận theo đường thẳng một chiều, từ khâu người sản xuất nguyên liệu (hộ khai thác, sơ chế và chế biến) đến khâu tiêu thụ (người thu gom và người bán lẻ cuối cùng).

Kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị Sá Sùng cho thấy, trong 100% tổng giá trị sản phẩm toàn chuỗi thì người khai thác chiếm 10,38%, hộ sơ chế và chế biến chiếm 17,05%, hộ thu gom chiếm 61,26%, cuối cùng hộ bán lẻ chiếm 17,05%. Như vậy ta thấy, có những bất hợp lý rất lớn trong việc phân bổ giá trị giữa các tác nhân, phần lớn giá trị nằm ở tác nhân hộ thu gom, còn hộ khai thác, sơ chế và chế biến, họ là tác nhân đầu tiên của kênh nhưng giá trị mang về chỉ khoảng trên 10%.

Từ những bất hợp lý trên trong việc phân bổ giá trị sản phẩm giữa các tác nhân, chỉ có mô hình liên kết dưới hình thức tổ, đội sản xuất cao hơn là HTX hoặc một loại hình doanh nghiệp nào đó (nòng cốt phải là những hộ khai thác, sơ chế và chế biến), sau đó thu mua sản phẩm Sá Sùng trong cộng đồng, hoạch toán kinh tế, phần lợi nhuận thu được sẽ được phân bổ đều cho các thành viên nếu là tổ đội, hoặc theo vốn góp nếu là loại hình doanh nghiệp.

 

1- Giới thiệu

Hoạt động chế biến Sá Sùng đã có từ lâu đời ở tỉnh Quảng Ninh, nó là nguồn sinh kế của một bộ phận không nhỏ người dân sống ven biển đảo của tỉnh. Qua khảo sát thực tế tại làng nghề chế biến Sá Sùng ở Quảng Ninh cho thấy, quy mô sản xuất rất nhỏ lẻ, nằm phân tán rải rác trong cộng đồng, sử dụng lao động thủ công là chính, công nghệ sản xuất rất lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra phải qua rất nhiều khâu trung gian, chính vì vậy, giá trị thu về được phần lớn nằm ở khâu trung gian, người sản xuất nguyên liệu chủ yếu lấy công làm lãi. Do đó, “Nghiên cứu chuỗi giá trị ngành hàng Sá Sùng ở tỉnh Quảng Ninh” nhằm tìm ra những khâu bất hợp lý từ đó đề xuất mô hình liên kết nhằm nâng cao giá trị của chuỗi trong thời kỳ mới đã được tiến hành.

 

2- Cơ sở lý thuyết của nghiên cứu

– Doanh thu (TR)                      

TR = Q × P

Trong đó:  Q Là lượng sản phẩm.

                                                   P Giá bán sản phẩm.

Doanh thu của từng tác nhân tham gia vào chuỗi, được tính theo công thức trên. Đối với tác nhân người khai thác thì lượng sản phẩm nhân với đơn giá chính là giá trị sản xuất GO, còn đối với tác nhân kinh doanh: Chế biến, thu gom, bán lẻ Sá Sùng thì lượng sản phẩm nhân với đơn giá chính là doanh thu TR. Hay nói cách khác, sản phẩm chính là giá trị sản xuất của tác nhân sản xuất và là doanh thu của tác nhân kinh doanh (GO = TR). Để thống nhất các chỉ tiêu trong phân tích kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, chúng tôi sử dụng chỉ tiêu doanh thu TR chung cho tất cả các tác nhân trong ngành hàng Sá Sùng.

– Chi phí trung gian (IC)

Chi phí trung gian là toàn bộ các khoản chi phí vật chất và dịch vụ thường xuyên được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của từng tác nhân tham gia vào chuỗi (không bao gồm chi phí khấu hao, công lao động, thuế và các khoản phải nộp khác có liên quan…).

 Chi phí trung gian được thể hiện bằng công thức:

                                   IC = åQj × Pj

                                Trong đó: Qj Số lượng đầu tư của đầu vào thứ j

                                       Pj Đơn giá đầu vào thứ j

– Giá trị gia tăng (VA)

Là phần giá trị tăng thêm của một quá trình sản xuất kinh doanh, VA được thể hiện bằng công thức:

VA = TR – IC = GO – IC

Trong phân tích ngành hàng, VA là hiệu số giữa doanh thu bán và chi phí trung gian IC, trong đó TR và IC được tính toán theo phương pháp đã trình bày ở trên.

  Một số chỉ tiêu thể hiện hiệu quả của sản xuất

+ Tỷ suất doanh thu theo chi phí (TTR)

Là tỷ số giữa giá trị sản xuất thu được và chi phí trung gian tiêu tốn của quá trình sản xuất đó.

TTR = TR/IC (Lần)

Tỷ suất giá trị sản xuất theo chi phí là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sản xuất theo góc độ chi phí. Qua chỉ tiêu này cho thấy, cứ bỏ ra 1 đồng chi phí trung gian sẽ thu được bao nhiêu đồng giá trị sản phẩm. Theo công thức trên, nếu TR/IC càng lớn thì sản xuất càng đạt hiệu quả kinh tế cao và ngược lại. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chưa làm rõ được chất lượng đầu tư.      

+ Tỷ suất giá trị gia tăng theo chi phí trung gian (TVA)

Tỷ suất GTGT theo chi phí trung gian là chỉ tiêu đánh giá chất lượng của đầu tư trong sản xuất kinh doanh, TVA được thể hiện bằng công thức: 

TVA = VA/IC (Lần)

Qua chỉ tiêu này cho thấy: Cứ bỏ ra một đồng vốn vào sản xuất thì sẽ thu được bao nhiêu đồng GTGT. TVA là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt chất lượng, TVA càng lớn thì sản xuất nông nghiệp càng có hiệu quả cao và ngược lại. Đây là cơ sở rất quan trọng cho việc ra quyết định sản xuất.

+ Số vòng quay vốn lưu động (VQVLĐ).

VQVLĐ =TR/VLĐBQ

Trong đó: VLĐBQ: Vốn lưu động bình quân

 

3- Phương pháp nghiên cứu

3.1- Phương pháp thu thập số liệu

·                     Phương pháp chọn mẫu

Cách chọn mẫu điều tra được xác định theo phương pháp định hướng và ngẫu nhiên không lặp lại với các bước cụ thể là: (1) Chọn danh sách có chủ định (chọn các hộ chuyên khai thác, sơ chế và chế biến, các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị. (2) Xác định được mẫu ở mỗi nhóm hộ. (3) Chọn ngẫu nhiên các đối tượng hộ khác nhau.

Bảng 1: Số phiếu điều tra thực địa tại địa bàn nghiên cứu

TT

Các tác nhân

Chi cục NTTS

Phòng NN huyện Vân Đồn

Xã Đông Xá

Xã Quan Lạn

Tổng cộng

1

Hộ khai thác

 

 

15

15

30

1

Hộ sơ chế và chế biến

 

 

15

15

30

2

Hộ thu gom

 

 

10

10

20

3

Hộ bán lẻ

 

 

5

5

10

4

Phỏng vấn sâu cán bộ quản lý

2

2

3

3

10

 

Tổng cộng

2

2

48

48

100

·                     Phương pháp thu mẫu

Mỗi tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị Sá Sùng đã được chuẩn bị một bộ phiếu điều tra phỏng vấn riêng. Các câu hỏi đã được chuẩn hóa giúp cho quá trình thu thập và xử lý số liệu sơ cấp được thuận tiện và chính xác hơn.

3.2- Phương pháp phân tích số liệu

Phương pháp phân tích thống kê mô tả

Sử dụng các chỉ tiêu tương đối, tuyệt đối, số bình quân để tính toán, so sánh hiệu quả kinh tế của các mô hình chuyển đổi sang NTTS ở tỉnh Cà Mau. Việc phân tích hệ thống các chỉ tiêu thống kê này cho ta một cái nhìn tổng quát về hiệu quả của chuyển đổi.

Phương pháp phân tích kinh tế

Ở nghiên cứu này chúng tôi tập trung phân tích chi phí, lợi ích, sự lưu chuyển thay đổi một số chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị Sá Sùng (các chỉ tiêu phân tích xem phần cơ sở lý thuyết của nghiên cứu).

Nguyễn Tiến Hưng

Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản

 tienhung_vifep@yahoo.com.vn

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!