(TSVN) – Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 4 tháng đầu năm đã có sự phục hồi mạnh khi kim ngạch đạt khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ – thị trường đang áp mức thuế 10% trong 90 ngày đối với Việt Nam – đạt 498,4 triệu đô la Mỹ, tăng 7% so với cùng kỳ.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị “Thích ứng trước thách thức thương mại toàn cầu: Cơ hội và hướng đi mới cho doanh nghiệp ĐBSCL”, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ hối thúc thực hiện đơn hàng trong giai đoạn thuế 10% giúp xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, ông Thành đánh giá, kịch bản thuế với Mỹ có khả năng xảy ra cao nhất đối với Việt Nam là mức thuế được đưa về 20%. Trong đó, có nhiều mặt hàng được miễn thuế, nhưng nông thủy sản sẽ chịu mức thuế chung, tức 20%. Đây là thách thức, bởi xu hướng chung của Mỹ là giảm thuế cho hầu hết các nước đối tác.
Khi đó, những đối thủ cạnh tranh ở nhóm ngành nông, thủy sản, gốm Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan… khả năng có mức thuế sau đàm phán thấp hơn Việt Nam. Bởi lẽ, thuế đối ứng của Bangladesh là 37%, Thái Lan 36% và Ấn Độ chỉ 26%, tức thấp hơn mức 46% của Việt Nam.
“Điều này có nghĩa, những quốc gia này đưa mức thuế về thấp hơn 20% là trong tầm tay”, vị chuyên gia nhận định.
Nếu kịch bản nêu trên xảy ra, rõ ràng Việt Nam sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu nhóm ngành nông thủy sản vào tay đối thủ là rất lớn, nhất là khi chi phí giá thành sản xuất riêng nhóm ngành thủy sản của những đối thủ này vốn đã thấp hơn khá nhiều so với Việt Nam.
Ông Thành kỳ vọng, thuế Mỹ áp cho Việt Nam sẽ về mức 10-15%, nếu Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ, bao gồm giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng hoá Mỹ; kiểm soát được gian lận xuất xứ hàng hoá; điều hành tỷ giá linh hoạt; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Mức thuế 10-15% sẽ là mức thuế tích cực cho xuất khẩu chung của Việt Nam cũng như nông thủy sản ĐBSCL, bởi khả năng các nước đối thủ cũng chỉ ở mức tương ứng.
“Đạt được mức này không những trong ngắn hạn không bị ảnh hưởng lớn, mà về trung hạn Việt Nam vẫn duy trì được vị thế là điểm đến hấp dẫn cho thu hút đầu tư, làm mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thành nhấn mạnh.
Về phần mình, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) gợi ý, cần phải đa dạng thị trường, giảm lệ thuộc vào Mỹ. Trong đó, Brazil, Nga, Liên minh châu Âu, thị trường Halal có thể khai thác tốt.
Chẳng hạn, với thị trường Brazil, Bộ Công Thương đã đàm phán và mở cửa cho tôm và cá tra Việt Nam. “Dĩ nhiễn, cần làm thêm một số thủ tục, nhưng trong thời gian tới nếu chúng ta tiếp cận thị trường này một cách nghiêm túc, thì đây là thị trường khổng lồ, hoàn toàn có thể thay thế phần lớn thị trường Mỹ”, ông Phú chia sẻ.
Với việc khai thác thị trường mới để thay thế, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng nhóm ngành nông, thủy sản vẫn phát triển tốt trong thời gian tới.
Cảnh Nghi