Thượng tọa Thích Chân Quang am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam, với nhiều bài giảng được đông đảo người dân truyền tụng. Xung quanh ý nghĩa ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ông có những kiến giải thật sâu sắc.
Thầy nhận định thế nào về ý nghĩa ngày Tết cổ truyền Việt Nam?
Với các gia đình Việt Nam, Tết có giá trị lớn về tinh thần. Nếu ngày Tết các bậc cha mẹ có những lời huấn thị con cái thì Tết càng trở nên thiêng liêng, mọi người gần gũi nhau hơn. Gắn kết yêu thương. Giáo dục đạo đức, lối sống, phong tục. Có những giá trị tinh thần thì niềm vui ngày Tết lớn hơn.
Ngày Tết, mọi người đi chúc Tết ông bà, họ hàng, thể hiện tình cảm thân ái. Đây là bài học lớn dành cho con cháu. Tình thương yêu chính là vốn quý của con người, trước hết là tình cảm trong gia đình, rồi đến họ hàng, xóm làng, quê hương. Trong thái độ ân cần mời mọc nhau, là bài học nhân ái. Ai sống được trong lòng nhân ái suốt năm thì có quả báo lành.
Tục lệ là ngày Tết phải vui. Tặng nhau niềm vui. Mình buồn thì đem lại sự không may mắn cho người khác. Quà tặng cho nhau, cho tiền cho bạc chẳng hạn, cuối cùng cũng chính là cho niềm vui. Quà tặng lớn nhất của con người chính là cho nhau niềm vui.
Tết hai miền Nam, Bắc có gì khác nhau không, thưa thầy?
Người Bắc kín đáo hơn, bảo thủ hơn; người Nam cởi mở hơn vì giao lưu tiếp xúc bên ngoài nhiều hơn. Con người ta, nhất là tuổi trẻ, thích tự do làm theo ý mình. Nhưng ở đâu cũng vậy, nhờ truyền thống, con người Việt Nam giữ được tôn ti trật tự, có sự gắn kết với gia đình, cộng đồng, trong tình thân ái. Những điều đáng quý của văn hóa Việt Nam, nằm âm thầm trong chính từng mái ấm gia đình. Người Việt Nam không ích kỷ, luôn biết suy nghĩ cho người khác. Cần vun đắp để con cháu sau này còn được hưởng những giá trị ấy.
Tết của thầy lúc bé thế nào?
Lúc đó gia đình tôi còn nghèo. Tết đến, lòng nao nao. Lúc nhỏ cứ mong ngày Tết đến để được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Tết tới mọi người vui, mình cũng vui. Mình thăm người này người khác, người khác thăm mình. Kéo nhau ra đường phố, thấy ai cũng mặc đồ đẹp.
Ấn tượng tuổi thơ là gia đình quây quần bên mâm cơm, ai cũng mặc đẹp. Ngày Tết, cha mẹ rất cao cả trong mắt con cái. Con cái chúc cha mẹ, thấy cha mẹ thiêng liêng hơn ngày thường, đạo hiếu trong mình được xây dựng. Cha mẹ ngồi ghế, các con khoanh tay đến chúc Tết.
Lúc đầu tôi không hiểu lắm về phong tục, nhưng vẫn cảm nhận được.
Thầy còn nhớ những lời cha mẹ dặn ngày Tết?
Cha mẹ thường lì xì tiền. Trước đó đã mua cho quần áo mới. Sau đó cả nhà đi thăm ông bà. Người luôn kính trọng người khác là có tâm hồn tốt. Kính trọng cha mẹ, thầy cô giáo, kính trọng những anh hùng dân tộc, kính trọng đi liền với lễ phép. Những bài học này được truyền dạy qua ngày Tết. Thầy được dặn dò: Anh em thương yêu nhau; ngày Tết phải làm sao để không ai quở trách được mình. Đó là bài học về sự kiềm chế, ứng xử phù hợp cộng đồng. Tôi còn nhớ, chuẩn bị Tết ấy, mẹ bảo anh tôi ra phố mua món đồ gì đó, anh tôi không đi mà sai tôi, thế là tôi vội chạy đi mua. Được lệnh cứ làm. Anh em sống với nhau rất đẹp.
Gói bánh chưng ngày Tết – Ảnh: Xuân Trường
Gia đình thầy có làm thơ Tết không?
Bố tôi không làm thơ, nhưng mẹ thì có. Khi lớn tuổi thì cả hai cùng làm thơ. Ông nội mất, bà nội thất lạc, do chiến tranh không tìm được. Lúc nhỏ tôi ở miền Tây, chiến tranh khốc liệt, bom rơi đạn nổ có khi chết cả làng. Dân chạy vô rừng nấp, bị rắn cắn chết. Cha tôi làm bài thơ dài, thể hiện tình cảm với mẹ mình, tôi nhớ mãi câu: “Cả một đời con đi tìm mẹ”. Mẹ tôi vẫn thường làm thơ về đạo lý.
“Tục lệ là ngày Tết phải vui. Tặng nhau niềm vui”. |
Thầy có nhớ cái Tết đầu tiên trong chùa?
Lúc đầu tôi đón Tết trong am vắng. Xung quanh toàn sương gió. Nghe âm thanh Tết từ làng mạc xa xa vọng tới. Sau này tôi mới ăn Tết ở chùa, thì lo việc suốt ngày. Chùa chúng tôi quy định ăn Tết 7 ngày. Nhiều gia đình lên chùa ăn Tết mấy ngày. Tối nào cũng thuyết pháp cả. Có ngày tập trung ba ngàn người ăn Tết. Người đến trước lo cho người đến sau. Có người ghé chùa một vòng rồi đi chơi Tết, rồi lại vòng về.
Không khí đêm giao thừa ở chùa ra sao, thưa thầy?
Đêm giao thừa thì hát, ngâm thơ. Giao thừa đến sẽ gõ chuông, lễ phật, đọc kinh. Nghỉ ngơi một chút, ngồi thiền, sau đó mọi người đi chúc Tết sư phụ và chúc Tết lẫn nhau, đón tiếp đệ tử. Mới 3 giờ sáng mà đệ tử đã đến trước cổng rất đông. Tôi chúc Tết, phát lì xì, rồi lễ phật, tụng kinh. Bài kinh đầu năm để nói về sự đoàn kết dân tộc và cầu mong cho đất nước phát triển.
Cúi đầu lạy phật mười phương
Xin thương tế độ quê hương Lạc Hồng
Chúng con máu chảy một dòng
Thương nhau như nước biển Đông dạt dào
Non sông rừng thẳm núi cao
Tổ tiên khí phách biết bao anh hùng.
Đạo đức bao gồm nhiều yếu tố mà trong đó lòng yêu nước là một yếu tố quan trọng. Người theo đạo nào cũng nhớ mình là người Việt Nam cái đã. Đừng để tình cảm tôn giáo che mất tình cảm dân tộc. Đồng thời cũng không quên rằng, đạo lý thì không có biên giới. Đây là sự dung hòa khéo léo giữa đạo lý cao siêu và tình cảm dân tộc.
Lòng yêu nước chính là nét sâu xa tinh thần nhân đạo Việt Nam, nên thời khắc đầu năm phải nói về điều ấy. Xong, xuống ăn cơm sáng. Cơm chay đã chuẩn bị từ hôm trước, đơn sơ thôi. Chẳng hạn món bánh tráng, dưa.
Ai là người gõ chuông giao thừa?
Người gõ chuông giao thừa là đệ tử, người có đức độ lớn. Tiếng chuông chùa thường báo sự việc đặc biệt. Chuông chùa đầu năm báo khoảnh khắc quan trọng của năm mới, gửi đi những lời chú nguyện của người tu hành, ban sự an lạc cho các nơi khác nữa.
Theo thầy, đón xuân ngày nay có gì cần tu chỉnh?
Bây giờ nhiều người theo lối sống mới, vật chất dư dả hơn ngày xưa. Người ta hướng ngoại nhiều hơn. Ngày Tết nhiều khi đi chơi, rời xa quê hương, thành ra không được hưởng không khí Tết. Nếu quên đi tình thân tộc, chỉ đi chơi cá nhân, tưởng đó là sang, nhưng thật ra ngày Tết với thân tộc mới chính là đem lại hạnh phúc lâu dài cho chính mình và gia đình, họ hàng của mình.
>> Thượng tọa Thích Chân Quang Thượng tọa Thích Chân Quang sinh ngày 9/12/1959 tại Đắk Lắk nhưng sống ở Sài Gòn từ nhỏ, quê gốc Nghệ An, cha sinh ở miền Tây, mẹ gốc Huế. Thầy xuất gia tu học từ năm 21 tuổi. Mặc dù hiện hay sức khỏe yếu nhưng thầy vẫn tinh tấn tọa thiền, tu tập để thâm nhập sâu vào giáo lý đạo Phật. Đến nay, thầy đã thuyết giảng được trên 1.000 bài, sáng tác hơn 100 bài hát và hơn 10 đầu sách, trong đó có hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng là Trở lại thiên đường và Tia nắng mùa xuân (bút danh Việt Quang), ngoài ra thầy còn sáng tác thơ.
Có thể nói, thầy là một trong những giảng sư thành công nhất của Phật giáo Việt Nam. Thành công trước tiên của thầy là đã trẻ hóa được ngôn ngữ Phật giáo, đào sâu phân tích ra những khía cạnh mở. Thầy không chỉ truyền bá đạo pháp, mà còn cả đạo đức, lòng yêu nước, tình yêu thiên nhiên, lòng nhân ái… Quan điểm tu hành của thầy là mong mỏi bất cứ ai cũng phải tìm lại đạo lý gốc từ thời Phật để bớt dần sự cách biệt của các tông phái. Thầy đã và đang dựng lại được một điều vô giá cho nhân loại: Một đạo Phật như thời Đức Phật còn tại thế. |