Tiếp cận EVFTA thông qua tiêu chuẩn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có rất nhiều ưu đãi cho sản phẩm tôm Việt Nam. Để tận dụng được điều này, tôm nuôi cần phải có chứng nhận ASC. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm tại Việt Nam đạt chứng nhận này hiện chưa nhiều.

Vẫn rất hạn chế

EVFTA vốn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với độ mở khá lớn, nên cũng có không ít những ràng buộc mà doanh nghiệp phải tuân thủ nếu muốn tham gia, tận dụng cơ hội tốt từ sân chơi lớn này. Nếu nhìn vào các ưu đãi về thuế suất của EVFTA có thể thấy, con tôm Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế so với một số đối thủ cạnh tranh chính như Thái Lan, Ấn Độ…; nhưng để đưa sản phẩm này vào thị trường EU với thuế suất ưu đãi từ EVFTA, nhất là vào khúc phân phối cao cấp, vẫn còn nhiều điều mà doanh nghiệp và người dân phải làm; một trong số đó là nuôi tôm đạt chứng nhận ASC.

Theo các doanh nghiệp, dù đã rất nỗ lực đầu tư mở rộng vùng nuôi riêng và liên kết hỗ trợ các HTX, trang trại nuôi thực hành nuôi đạt tiêu chuẩn ASC, nhưng số diện tích liên kết nuôi tôm đạt chuẩn ASC cả nước đến nay vẫn chỉ mới chiếm khoảng 5 – 6% tổng diện tích nuôi, mà nguyên nhân chủ yếu là do diện tích hộ nuôi còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa cao…

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải thường xuyên nắm bắt kịp thời, chính xác tình hình cung – cầu tôm trong nước và thế giới về sản lượng, kích cỡ, giá cả, đặc biệt là từ các đối thủ cạnh tranh chính… để đưa ra các quyết định kịp thời và đúng đắn nhất. Đơn cử như trường hợp thiếu hụt tôm thẻ cỡ lớn trong năm 2019 do vùng nuôi của Ấn Độ gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nắm bắt kịp thời ký được hợp đồng giá tốt, nhưng cũng có doanh nghiệp lao đao vì không có đủ tôm để giao dù đã đẩy giá thu mua lên rất cao.

Hỗ trợ để thay đổi

Để khắc phục hạn chế này, theo các doanh nghiệp, bên cạnh việc khuyến khích người nuôi liên kết lại thành các HTX, các địa phương cần tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư xây dựng vùng nuôi tôm quy mô lớn, đạt chứng nhận quốc tế. Việc liên kết người nuôi tôm nhỏ lẻ vào các HTX, THT là rất cần thiết, nhằm tạo nên vùng nuôi đủ lớn để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận ASC theo chuỗi giá trị con tôm. Một vấn đề khác là ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng, giá thành vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm để đảm bảo tôm nuôi đạt chất lượng tốt nhất và có giá thành hợp lý nhất.

Hiện nay, hầu hết các mô hình nuôi tôm thẻ có tỷ lệ thành công cao và đạt chứng nhận ASC đều là những mô hình nuôi lót bạt, hoặc cao cấp hơn là nuôi ao tròn nổi 2 – 3 giai đoạn. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách tín dụng cho người nuôi tôm để họ có điều kiện nâng cấp mô hình nuôi. Đối với các doanh nghiệp, cần đánh giá hết tầm quan trọng của chứng nhận ASC nếu muốn tham gia sâu vào sân chơi EVFTA, bởi nếu chỉ làm ASC mang tính đối phó, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại ở thị trường EU. Minh chứng điều này, mới đầu tháng 7/2020, qua kiểm tra, tổ chức cấp chứng nhận ASC đã công bố đình chỉ chứng nhận một số vùng nuôi của một số doanh nghiệp Việt Nam do không đáp ứng các quy định.

Con tôm Việt Nam đã không phải chờ EVFTA như trước nữa mà ngược lại, hiện EVFTA hiện đang chờ con tôm Việt Nam đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của thị trường này để tất cả cùng hưởng lợi.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!