T2, 06/07/2020 01:48

Tìm giải pháp cứu làng chài

Chưa có đánh giá về bài viết

Hôm qua tỷ phú, hôm nay nợ nần ngập đầu, đó là câu chuyện buồn ở làng chài Nghĩa An và Nghĩa Phú nằm ở 2 bên bờ của cửa Đại Cổ Lũy, TP Quảng Ngãi. Hơn 1.000 tàu giã cào ở địa phương thì chiếm tới trên 80% lâm cảnh kiệt quệ về tài chính. Giải pháp nào cho làng chài qua nỗi khó khăn này?

“Bão” nợ đôi

Năm 2015, làng chài Nghĩa Phú và Nghĩa An lung lay trong “cơn bão” sập nợ. Bà Nguyệt và ông Đức nắm đường dây cho vay tín dụng đen vỡ nợ. Hàng trăm người nghèo dồn tiền cho những người chuyên cho vay để hưởng lãi suất chênh lệch đã khóc lóc, than thở, tuyệt vọng chạy vạy khắp nơi. Cửa Đại Cổ Lũy có hơn 1.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, nhu cầu vay nóng, trả nhanh của các chủ tàu diễn ra hàng ngày để ứng trước cho bạn chài đi biển, sửa chữa máy tàu, đáo hạn tiền ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc… Vì vậy, nhu cầu vay tiền nhanh của ngư dân rất lớn.

Vụ sập nợ đó được các ngư dân ở cửa Đại Cổ Lũy xem như một trận áp thấp nhiệt đới gây gió mạnh rồi chấm dứt. Nhưng rồi, làng chài ở cửa Đại Cổ Lũy lại tiếp tục gặp khó khăn sau vụ cửa biển bị biến dạng, bồi lấp do nạo hút cát. Tiếp đến là một cơn bão nợ mới, và lần này, trận bão nợ quá khủng khiếp khiến cho cả làng chài, lâm cảnh sập nợ, neo tàu, bỏ đi miền Nam làm thuê.

Xã Nghĩa An có con đường mới mở chạy dọc ven biển rất đẹp. Ông Hạnh, một người dân địa phương cho biết, khoảng 3 tháng trước, cứ chiều chiều là người đòi nợ ở các xã bên xách túi đi lang thang, rồi vô xóm đòi, có lúc thì đi với mấy cái thằng xăm trổ để hăm dọa, nhưng mà đòi mãi, kể cả hăm dọa nhưng không được gì nên gần đây họ đã rút bớt. Ông Hạnh chỉ tay vào một số ngôi nhà nằm trong các con hẻm của làng chài và cho biết, nhiều nhà đóng cửa bỏ đi, nếu ngân hàng hoặc người cho vay xuống hỏi thì chỉ gặp được mấy ông cụ già.

Xã Nghĩa An là địa phương có đội tàu thuyền đánh bắt rất nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngư dân ở địa phương này cứ đầu năm đưa tàu làm nghề giã cào ra vùng biển Vịnh Bắc Bộ để đánh bắt, cuối năm thì mới quay về. Thu nhập của mỗi chủ tàu vào thời điểm cách đây gần 2 năm là khoảng 1 – 2 tỷ đồng/năm. Có chủ tàu đánh bắt một năm thu về 3 – 4 tỷ đồng. Ông Thành, một ngư dân ở địa phương than vãn: “Tiền thì nhiều lắm, cứ cuối năm vác về một bao tiền, nhưng rồi nghề biển thì có đó rồi lại không đó, tới bây giờ thì mấy trăm chủ tàu ở đây đều vỡ nợ, tiền mua gạo còn không kiếm ra nổi”.

Do đánh bắt có thu nhập cao và ổn định, ngư dân xã Nghĩa An làm được bao nhiêu tiền thì đều đổ ngược trở lại, đầu tư tàu mới, vay ngân hàng, mượn thêm tiền từ các đường dây tín dụng đen để đóng tàu. Cơn lốc đóng tàu làm nghề giã cào bùng phát khi ngư dân nghe tin nhà nước chính thức không cấp phép đóng mới tàu làm nghề giã cào để bảo vệ môi trường từ năm 2016. Vì vậy, cuối năm 2015, cả làng chạy đua đóng tàu cú chót. Chi Cục Thủy sản Quảng Ngãi thống kê, bình quân mỗi năm ngư dân xin cấp phép đóng mới, cải hoán khoảng 200 – 250 chiếc, nhưng 20 ngày trước khi bước sang năm 2016, ngư dân đã xin cấp phép đóng mới 150 chiếc.

Những tàu cá đóng mới vào thời điểm này thường có chiều dài thân vỏ lên đến 26 mét, lắp máy công suất 800 đến 1.000 mã lực. Còn tàu cá làm nghề giã cào truyền thống ở địa phương thì chỉ có chiều dài 19 đến 21 mét, chi phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Còn đóng loại tàu lớn thì ngư dân phải bỏ ra khoảng trên 10 tỷ đồng. Nhưng rồi bà con ngư dân ở cửa Đại Cổ Lũy bắt đầu phải mang nợ vì những chiếc tàu khủng. Vì thời gian tiền vô như nước chỉ kéo dài được vài năm. Bước sang nửa năm 2017, đoàn tàu giã cào bắt đầu “đi có, về không”.

Ngư dân Lê Hoài Phong với lá đơn hàng trăm người ký cầu cứu ngân hàng và chính quyền

 

Nghề cá bền vững

Tìm giải pháp nào để ngư dân xã Nghĩa An thoát khỏi cơn bão nợ khủng khiếp. Đặt câu hỏi này với nhiều lão ngư kỳ cựu ở cửa biển Nghĩa An, tôi đều nhận được sự im lặng thật lâu, trước khi có câu trả lời. Nhiều người cho biết “chỉ có cách là tiếp thêm ôxy”. Ôxy theo cách nói ví von của các ngư dân địa phương để ví chuyện cả làng chài đang thoi thóp và ôxy là nguồn tài chính.

Anh Nguyễn Tấn Trung, một thợ cả đóng tàu tại địa phương cho biết, hiện nay bà con ngư dân đang thuê anh chuyển nghề giã cào đôi 2 chiếc chạy song song sang làm nghề giã cào bướm, chỉ chạy đơn 1 chiếc. Trong 1 tháng qua, anh Trung đã được các ngư dân đặt chỉnh sửa lại 5 chiếc tàu để chuyển đổi nghề giã cào bướm. Bà con ngư dân đã bỏ ra khoảng 200 triệu để cải hoán một con tàu, riêng phần giàn sắt chịu lực để kéo lưới giã khoảng 60 triệu. Sau khi cải hoán tàu, các ngư dân tiếp tục bổ sung thêm phần lưới cho tàu kéo lưới đơn.

Từ lâu, nghề lưới giã cào được xem như nghề hủy diệt môi trường khủng khiếp. Cú vấp ngã này khiến các ngư dân bắt đầu phải tính đến việc làm nghề lưới, ăn ít no lâu. Nhưng chuyển đổi tàu giã cào sang tàu đánh lưới có được không? Anh Trung, thợ đóng tàu cho biết, tàu giã cào cao tốc là loại khó sửa đổi nhất trong các loại tàu. Thân vỏ tàu dài 25 đến 26 mét, thành tàu cao 3,5 mét, trong khi nghề lưới chuồn thì chỉ sử dụng tàu dài 18 đến 19 mét. Nếu ngư dân muốn chuyển sang nghề lưới thì phải rã phần mê, co bớt bụng tàu, điều chỉnh vị trí gác máy, hạ thấp thành tàu thì mới kéo lưới được.

Khó khăn chồng chất nữa, đó là máy tàu. Đa phần các ngư dân làm nghề giã cào ở Nghĩa An đang sử dụng máy thủy Duchai, Yongchai của Trung Quốc. Sau một thời gian hoạt động, các ngư dân nghiệm ra, những cỗ máy này có công suất trên 500 mã lực thường phát sinh hỏng hóc liên tục. Các ngư dân cho biết, lúc khốn khó càng sợ hãi mỗi khi nghe máy nổ. Nếu ngư dân thay máy Cumin, Yanmar của Nhật Bản đã qua sử dụng, công suất trên 700 mã lực đã có giá từ 800 – 1 tỷ đồng. 

Những thân vỏ tàu giã cào quá lớn, nên việc cải hoán thành tàu lưới sẽ tốn kém

Về phần con người, nếu quyết tâm chuyển sang nghề lưới thành công, thuyền trưởng phải chứng minh năng lực đánh bắt xa bờ. Vì nghề lưới chuồn đi cách xa bờ hàng trăm hải lý, vào khu vực bãi Tư Chính đánh bắt. Đây là lúc ngư dân phát huy tinh thần đoàn kết, các tàu chuyển đổi nghề giã cào sang nghề lưới đi kẹp với tàu đánh lưới chuồn  ở các thôn Tân Thạnh, Tân Mỹ của xã Nghĩa An để được hỗ trợ.

Ngân hàng có tiếp tục cho ngư dân đang ngập trong nợ nần vay thêm tiền? Điều này khó có thể xảy ra. Giải pháp cuối cùng là ngư dân phải gượng đứng lên và tự cứu mình.

“Tiền thì nhiều lắm, cứ cuối năm vác về một bao tiền, nhưng rồi nghề biển thì có đó rồi lại không đó, tới bây giờ thì mấy trăm chủ tàu ở đây đều vỡ nợ, tiền mua gạo còn không kiếm ra nổi”, ông Thành, một ngư dân ở địa phương than vãn.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!