(TSVN) – Ngày 2/10, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) chủ trì, phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hội Thuỷ sản Việt Nam với sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Nam, Trường Đại học Nha Trang tổ chức Diễn đàn khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Các giải pháp xanh cho kinh tế biển bền vững tại Việt Nam”.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36) khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Nghị quyết hướng tới mục tiêu các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Nghị quyết 36 đã đem lại các cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra những thách thức về chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế biển bền vững trong điều kiện thực tế ở nước ta. Sau hơn 5 năm triển khai, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập: một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra chưa đạt được; việc thực hiện chủ trương phát triển nhiều ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; liên kết giữa các vùng biển, giữa địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển nước ta,…
Toàn cảnh Diễn đàn
“Việt Nam là một quốc gia biển, có lịch sử truyền thống văn hoá với biển. Đồng thời, hệ thống cơ chế chính sách pháp luật về biển đều được Đảng và Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đưa những chủ trương chính sách pháp luật đi vào thực tiễn, hướng đến mục tiêu 2030 đưa Việt Nam trở thành Quốc gia biển mạnh: khai thác bền vững tài nguyên biển, bảo vệ biển. Câu hỏi thứ hai đặt ra là: phát huy thúc đẩy vai trò của các bên liên quan trọng quá trình phát triển kinh tế biển: nhà nước – các tổ chức – cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần liên quan là những điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm” – TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội phát biểu khai mạc và chia sẻ tại Diễn đàn.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, ĐBQH Khóa XV phát biểu tại diễn đàn
Tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, ĐBQH Khóa XV nhấn mạnh: Chiến lược hướng tới một nền “kinh tế biển xanh” đã được xác định, dù không phải sớm, để từ đó chúng ta có những quyết sách phát triển cụ thể, trong đó có công tác quy hoạch các đô thị biển. Cần có những hướng giải cho bài toán tổ chức lại không gian kinh tế biển hiện nay. Đồng thời, có những đánh giá thực trạng phát triển của các đô thị biển hiện hữu và đề xuất một chiến lược phát triển các “cực kinh tế biển” trong mối quan hệ với “chuỗi đô thị ven biển” và “chuỗi đô thị đảo”.
Diễn đàn công bố 5 báo cáo đề dẫn và các tham luận về hiện trạng, kết quả nghiên cứu, các giải pháp xanh, các bài học thực tế trong phát triển kinh tế biển bền vững thời gian qua và các ưu tiên cần làm trong thời gian tới. Sau đó, các đại biểu thảo luận để làm rõ các vấn đề nâng cao nhận thức, kiến thức thực tế, tranh thủ sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước về chủ trương, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.
Tùng Bách