Tinh chất peptide tăng độ ngon miệng và hiệu suất trên tôm và cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Lượng bột cá trong các công thức thức ăn thủy sản không ngừng giảm vì những lý do kinh tế và bền vững. Do đó, ngành hàng này đang nỗ lực tìm kiếm phụ gia đáp ứng dinh dưỡng thiết yếu và duy trì độ ngon miệng của thức ăn.

Peptide từ phụ phẩm tôm

Độ ngon miệng của thức ăn ảnh hưởng đến tăng trưởng của tôm, cá và là tiêu chí đánh giá chất lượng thức ăn.  Các chất tăng độ ngon miệng hay chất dẫn dụ giúp các chuyên gia dinh dưỡng sử dụng linh hoạt các chất thay thế và những thành phần thức ăn có nguồn gốc địa phương và tiêu chuẩn hóa độ ngon miệng của thức ăn.

Đạm động vật biển như krill hoặc bột mực thường được sử dụng để tăng độ ngon miệng của thức ăn nhưng tỷ lệ bổ sung của những chất này trong thức ăn thủy sản vẫn bị hạn chế, bởi nguồn cung không sẵn có, giá đắt cùng nhiều vấn đề liên quan đến bền vững. Trái lại, sử dụng các chất tăng độ ngon miệng có nguồn gốc từ biển hoặc phụ phẩm NTTS lại được xem là một giải pháp hiệu quả về chi phí hơn bên cạnh tác động tích cực lên tỷ lệ sử dụng bột cá FIFO.

Sản phẩm Pepsea của Adisseo là một tinh chất peptide có nguồn gốc từ phụ phế phẩm ngành chế biến tôm và được sản xuất bằng công nghệ thủy phân enzyme. Quy trình thủy phân có kiểm soát của Adisseo đã tạo ra một lượng lớn peptide hoạt tính sinh học và đạt độ ổn định cao suốt quá trình sản xuất.

Phân bố phân tử lượng của Pepsea cho thấy, trên 85% peptide và axit amin tự do giảm xuống dưới 1000 Da. Trọng lượng phân tử thấp dễ tan trong nước hơn nên đạt hiệu quả hơn trong việc kích thích hệ thống giác quan của tôm và cá, đồng thời làm tăng tính thèm ăn của vật nuôi.

Tăng lượng ăn và hiệu suất của cá biển

Pepsea đã được thử nghiệm trên cá tráp đầu vàng để đánh giá hiệu quả kích thích tính thèm ăn và hiệu suất tăng trưởng của vật nuôi. Lựa chọn cá có trọng lượng 11,4 ± 0,5 g, chia ngẫu nhiên vào bể dung tích 12×150 L với mật độ 30 cá/bể. Các nghiệm thức được xây dựng theo công thức isoproteic và isolipidic, gồm khẩu phần đối chứng 20% bột cá FM (1), khẩu phần đối chứng âm 10% FM (2) và khẩu phần 10% FM + Pepsea (3).

Tinh chất peptide bổ sung để cung cấp 1% protein và thay thế protein hòa tan trong 10% bột cá. Điều chỉnh của các thành phần chính và chất bổ sung khác như tinh chất đậu nành, khô lúa mỳ, methionine và monocalcium phosphate để cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong cả 3 nghiệm thức. Lựa chọn nghiệm thức cho mỗi bể tùy theo sinh khối. Thời gian thử nghiệm 84 ngày.

Các kết quả cho thấy, lượng ăn của cá trong khẩu phần 10% FM giảm 13% so với khẩu phần 20% FM (Hình 1A). Tuy nhiên, lượng ăn của cá được bổ sung tinh chất peptide trong khẩu phần 10% FM lại tăng 10%. Tăng trọng của cá ở nhóm 10% FM thấp hơn 21% so nhóm 20% FM, trong khi tăng trọng của nhóm 10% FM + Pepsea lại tăng 20% (Hình 1B). Tương tự, về FCR, tinh chất peptide đã làm giảm đáng kể những tác động tiêu cực của việc giảm bột cá, giúp đạt giá trị FCR tương tự như khẩu phần chứa 20% bột cá (Hình 1C).

Bổ sung tinh chất peptide vào khẩu phần 10% FM cũng cải thiện sự phát triển của nhung mao ruột sau, từ đó tạo ra những giá trị hình thái học đường ruột gần giống như kết quả có được ở khẩu phần 20% FM.

Hiệu quả trên TTCT

Pepsea đã được thử nghiệm trên TTCT để đánh giá hiệu quả kích thích tính thèm ăn và hiệu suất nuôi. TTCT có trọng lượng 1,2±0,15 g được chia ngẫu nhiên vào 15 bể nuôi ngoài trời có thể tích 1,5 m³ với mật độ ban đầu 153 con/bể. Thử nghiệm đã được thực hiện trong môi trường nước xanh cùng những thay đổi tự nhiên về nhiệt độ và ánh sáng. Chuẩn bị 3 khẩu phần ăn theo công thức isoproteic và isolipidic gồm: đối chứng dương 10% bột cá hồi (1); đối chứng âm 5% bột cá hồi (2) và khẩu phần (3) chứa 5% bột cá hồi + Pepsea. Tinh chất peptide bổ sung để cung cấp 0,5% protein chức năng hòa tan và thay thế protein chức năng của 5% bột cá hồi. Cả 3 khẩu phần cân bằng protein, axit amin và năng lượng bằng tinh chất protein đậu nành, tinh bột sắn và tinh thể axit amin. Độ ổn định của thức ăn trong nước trên 80% ở cả 3 khẩu phần. Trọng lượng trung bình của tôm ở mỗi bể được xác định hàng tuần. Thời gian thử nghiệm kéo dài 68 ngày.

Các kết quả cho thấy, lượng ăn giảm 4% khi giảm tỷ lệ bột cá hồi từ 10% xuống 5%. Vấn đề này được khắc phục khi bổ sung Pepsea (Hình 2A). Lượng bột cá hồi giảm kéo theo tăng trọng mỗi tuần và FCR lần lượt giảm 10% và 6%. Tương tự, bổ sung tinh chất peptide sẽ làm tăng trọng và FCR lần lượt 6% và 9%. Xét đến hiệu quả về chi phí khi bổ sung Pepsea vào công thức thức ăn thử nghiệm trên có thể thấy rõ tiềm năng của thức ăn trọng lượng phân tử thấp trong việc kích thích hành vi ăn của tôm và tối ưu công thức thức ăn công nghiệp.

Thử nghiệm được thực hiện suốt mùa khô nên nguồn nước nuôi tôm có nồng độ muối cao và nhiệt độ thấp (trung bình 35 g/L và 25°C). Những điều kiện này làm tăng nhu cầu năng lượng của tôm và dẫn đến tăng trọng dưới 1 g/tuần và FCR trên 2. Tuy vậy, những kết quả này lại chứng tỏ tiềm năng của tinh chất peptide từ phụ phế phẩm ngành tôm trong thúc đẩy lượng ăn và hiệu suất trong điều kiện tự nhiên.

Waldo G.Nuez Orin

Trưởng phòng Khoa học NTTS, Adisseo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!