(TSVN) – Hiện nay, mô hình nuôi cá rô phi kết hợp tôm thẻ chân trắng đã được triển khai thành công tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
Nuôi tôm gặp khó
Nghề nuôi thủy sản được xác định là thế mạnh của Trà Vinh. Tỉnh đã và đang đầu tư mạnh vào hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, với 11 công trình đã hoàn thành và 14 công trình dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026 – 2030, tổng kinh phí lên đến 1.900 tỷ đồng.
Trong năm 2024 diện tích nuôi trồng trên toàn tỉnh đạt 62.000 ha, trong đó tôm nước lợ là 33.331 ha, sản lượng thu hoạch đạt 94.251 tấn (tôm thẻ chân trắng 84.547 tấn, tôm sú 9.704 tấn), đứng thứ 6 về diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch của các tỉnh ĐBSCL, đạt 99,42% kế hoạch, tăng 6,4% so với năm 2023.
Cá rô phi đang được xem là đối tượng nuôi nhiều tiềm năng tại Trà Vinh. Ảnh: De Hues
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, người nuôi tôm ở Trà Vinh cũng đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, giá tôm không ổn định, diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ. Tình hình dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra ngày càng khó ứng phó, việc áp dụng các biện pháp phòng, trị một số bệnh chưa hiệu quả (bệnh phân trắng, bệnh vi bào tử trùng,…). Việc đầu tư hạ tầng cho một số vùng nuôi cũng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô nuôi trồng,…
Đa dạng đối tượng
Hiện, cá rô phi đang được xem là đối tượng nuôi nhiều tiềm năng tại Trà Vinh. Từ năm 2023 đến nay, người nuôi thủy sản ở Trà Vinh đã chủ động đưa đối tượng cá rô phi vào nuôi và phát triển khá mạnh tập trung ở các vùng nuôi nước lợ xen trong vuông ao nuôi tôm.
Với diện tích trung bình 1 ha, mô hình nuôi xen canh đạt năng suất 200.000 – 300.000 con tôm/ha và 600.000 – 700.000 con cá rô phi/ha, lợi nhuận ước đạt 500 triệu đồng/ha, trong đó tôm đóng góp khoảng 150 triệu đồng. Mô hình nuôi thâm canh cá rô phi riêng biệt còn cho lợi nhuận cao gấp đôi so với nuôi xen canh.
Đặc biệt, cá rô phi dễ chăm sóc hơn tôm, ít phụ thuộc vào điều kiện nước. Nước từ ao nuôi cá có thể tận dụng để nuôi tôm sau khi xử lý, giúp giảm chi phí và hạn chế dịch bệnh.
Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư và Biển đảo Trà Vinh, diện tích nuôi cá rô phi xuất khẩu ở tỉnh hiện nay đã và đang phát triển, có 46 hộ nuôi với diện tích là 106 ha, tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành. Ngoài ra, Công ty CP Thủy sản Cửu Long thả nuôi hơn 60 ha, dự kiến thu hoạch trong tháng 5 khoảng 500 tấn,…
Tuy nhiên, hiện nguồn cá rô phi giống tại Trà Vinh còn phụ thuộc vào liên kết với các tỉnh khác. Do đó, để đáp ứng nhu cầu mở rộng mô hình, việc chủ động phát triển sản xuất giống cá rô phi chất lượng cao là cần thiết.
Ông Nguyễn Trí Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cầu Ngang cho biết, hiện nay, thị trường xuất khẩu về cá rô phi khá lớn, từ đó đã đưa giá trị con cá rô phi tăng cao. Tuy nhiên, người nông dân cần thận trọng trong việc lựa chọn chất lượng nguồn cá giống và chủng loại cá (hiện có nhiều giống cá rô phi của nhiều đơn vị nhập khẩu) khi nuôi.
Để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi cần xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng con cá giống – thức ăn và tiêu thụ sản phẩm (cá thương phẩm). Đồng thời, quy trình kỹ thuật nuôi cần được đặt ra chặt chẽ và theo khuyến cáo từ doanh nghiệp/đơn vị liên kết thu mua sản phẩm,…
Thanh Hiếu
Trà Vinh đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Việc đa dạng hóa đối tượng nuôi trong nuôi trồng thủy sản là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.