(TSVN) – Theo The Fish Site, một kỹ thuật mới sử dụng kết hợp sóng siêu âm và ánh sáng hồng ngoại để loại bỏ rận biển khỏi cá hồi nuôi sẽ được thử nghiệm trong thời gian tới.
Kỹ thuật này được triển khai bởi một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đức, dẫn đầu là Tiến sĩ Kai Lorkowski từ Viện Nghiên cứu biển và địa cực Alfred Wegener (AWI) ở Bremerhaven.
Từ lâu, người ta đã biết vi khuẩn và các sinh vật nhỏ khác có thể bị tiêu diệt bằng cách sử dụng hiệu ứng xâm thực. Điều này liên quan đến việc sử dụng sóng siêu âm làm rung các tế bào khiến chúng vỡ ra. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này cũng có thể giúp tiêu diệt rận biển (Lepeophtheirus salmonis) trên cá hồi. Họ lập luận rằng bức xạ âm thanh sẽ khiến rận biển tách ra khỏi cá hồi, trong khi ánh sáng hồng ngoại sẽ hỗ trợ, củng cố hiệu ứng này bằng cách làm nóng các ký sinh trùng, chứ không phải toàn bộ cơ thể cá.
Trong quá trình thử nghiệm, các nghiên cứu sẽ điều tra tần số siêu âm nào tác động đến ký sinh trùng mà không gây hại cho cá, ánh sáng hồng ngoại cần bao lâu để có tác dụng và cách tốt nhất để loại bỏ rận biển ra khỏi nước sau khi chúng được tách khỏi cá.
Kỹ thuật này ban đầu được ông Guido Becker đến từ công ty Technische Innovations Leistungen (TIL) thực hiện. Ông Lorkowski và nhóm của Guido cùng với các đối tác khác sẽ thử nghiệm kỹ thuật này tại một cơ sở được lắp đặt trên tàu.
Technologie-Transfer-Zentrum (TTZ) ở Bremerhaven sẽ điều phối toàn bộ dự án, bao gồm cả việc phát triển thiết bị xử lý mẫu. Trên tàu còn có các chuyên gia thiết bị hồng ngoại Micor GmbH và Purima, họ sẽ cung cấp các bồn tắm siêu âm cho cá hồi. Dự án được Bộ Kinh tế Liên bang và Chương trình Đổi mới trung tâm năng lượng tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), dự kiến kéo dài đến tháng 5/2022. Được biết, AWI sẽ chịu trách nhiệm về các khía cạnh sinh học của nghiên cứu.