Triển vọng xuất khẩu thủy sản sang Thụy Sĩ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo số liệu thống kê của ITC, tháng 1/2024, nhập khẩu thủy sản của Thụy Sỹ đạt 69,69 triệu USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Thụy Sỹ chủ yếu nhập khẩu thủy sản từ các nước châu u như Na Uy, Pháp, Hà Lan, Đức, Italia…

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2023 và tháng 1/2024, Thụy Sỹ có xu hướng tăng nhập khẩu thủy sản từ các thị trường châu Âu, giảm nhập khẩu từ các thị trường ngoài châu Âu.

Thụy Sỹ là quốc gia không có biển nên nhập khẩu hầu như toàn bộ lượng thủy sản tiêu dùng hàng năm. Mỗi năm Thụy Sỹ tiêu thụ khoảng 75.000 – 80.000 tấn thủy sản các loại. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và chế biến thủy sản của Thụy Sỹ chỉ đạt khoảng trên 3.000 tấn/năm. Số lượng còn lại Thụy Sỹ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Các sản phẩm thủy sản khai thác vẫn bị áp thuế nhập khẩu tại Thụy Sĩ. Ảnh: ST

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Thụy Sỹ trong tháng 1/2024 với trị giá đạt 5,1 triệu USD, giảm 38,1% so với tháng 1/2023. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thụy Sỹ giảm từ 8,4% trong năm 2023 xuống còn 7,3% trong tháng 1/2024. Trong đó, thị phần các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam như tôm các loại, cá tra, cá basa đều chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu của Thụy Sỹ. 

Cơ chế quản lý nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng thủy sản nhập khẩu của Thụy Sỹ tương đồng với những quy định của EU. Nhập khẩu các mặt hàng thủy sản không bị áp dụng hạn ngạch và thuế nhập khẩu phần lớn các loại thủy sản và sản phẩm thủy sản chế biến của Thụy Sỹ là 0%. Tuy nhiên, cũng như EU, Thụy Sỹ cho rằng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một vấn đề toàn cầu đe dọa hệ sinh thái biển và hoạt động đánh bắt bền vững. Tại Thụy Sỹ, Pháp lệnh kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm thủy sản biển nhập khẩu (Pháp lệnh IUU) có hiệu lực pháp lý kể từ ngày 01/03/2017. Pháp lệnh quy định rằng các sản phẩm thủy sản chỉ có thể được nhập khẩu nếu có giấy chứng nhận khai thác hợp lệ, chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm (trừ 35 nước trong Phụ lục 2, bao gồm 27 nước EU, Na Uy, Ailend, Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Các lô hàng thủy sản được đánh bắt có trong Phụ lục 1 của Pháp lệnh IUU phải được đăng ký với Cục An toàn thực phẩm và Vệ sinh dịch tễ liên bang (FSVO) để kiểm tra. Tuy nhiên nếu những lô hàng này đã được thông quan và kiểm tra IUU trước đó tại một nước EU thì không cần kiểm tra nữa. Và kể từ ngày 01/03/2022, các lô hàng thủy sản cần khai báo phải được đăng ký thông qua ứng dụng INPEC trên Cổng thông tin IUU. Cổng thông tin IUU của ứng dụng INPEC cho phép đăng ký số hóa và xử lý các biện pháp kiểm soát IUU trên các lô hàng thủy sản.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ cho biết, từ 01/01/2024 các sản phẩm công nghiệp chính thức được miễn thuế nhập khẩu vào Thụy Sĩ, cho dù có nguồn gốc xuất xứ từ bất kỳ nước nào. Đây là một chính sách thương mại quan trọng, được nước này triển khai sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị. Các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm động thực vật sống, thực phẩm, nông sản chế biến, hạt giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… không được coi là sản phẩm công nghiệp nên vẫn áp thuế nhập khẩu.

Đánh giá về ảnh hưởng của chính sách này đối với hàng hóa Việt Nam, dẫn số liệu của Hải quan Thụy Sĩ, Thương vụ Việt Nam tại nước này cho biết, hàng công nghiệp bình quân cũng chiếm khoảng 90 – 93% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của nước này từ Việt Nam. Nhiều mặt hàng trong số này được hưởng ưu đãi thuế GSP của Thụy Sĩ.

Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp của Thụy Sĩ sẽ làm cho sản phẩm của Việt Nam bình đẳng với tất cả các nước. Đặc biệt, đối với một số sản phẩm như dệt may, da giày, thủy sản… hàng Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh đến từ nhiều thị trường khác.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!