Mấy tháng nay, tình trạng mua gom tôm nguyên liệu xuất sang Trung Quốc càng phức tạp hơn. Đây cũng là vấn đề nan giải của nhiều sản phẩm nông sản khác. Giá cao, lợi nhuận trước mắt rất đáng kể; nhưng về lâu dài thì nguy cơ mất nhiều hơn được.
Từ chuyện con tôm
Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nếu trước đây thương lái chỉ mua tôm 80 con/kg trở lên thì nay tôm cỡ 150 con/kg cũng được mua, với giá cao hơn mức trả của doanh nghiệp trong nước 20 – 30%. Hầu hết các sản phẩm này chỉ được ướp đá và xuất dưới dạng nguyên liệu thô. Việc mua bán diễn ra rất đơn giản; thương lái không quan tâm kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu, thậm chí thực hiện bơm chích tạp chất.
Theo VASEP, việc thương lái Trung Quốc mua tôm nguyên liệu tràn lan sẽ tạo nguy cơ mất kiểm soát chất lượng nguyên liệu, đặc biệt là dư lượng kháng sinh và tạp chất, có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tôm Việt Nam, nhất là nỗ lực kiểm soát kháng sinh, chất lượng tôm nuôi. Hoạt động mua gom này cũng đang khiến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong nước lao đao vì thiếu nguyên liệu, hợp đồng xuất khẩu bị trì trệ.
Việc bị tận thu nguyên liệu khiến ngành tôm Việt Nam lao đao – Ảnh: Phan Thanh Cường
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, vì thiếu nguyên liệu nên dù giá xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp vẫn thua lỗ, bởi vừa phải mua nguyên liệu giá cao vừa bị phạt nhiều hợp đồng giao hàng không đúng thời hạn. Hiện, các nhà máy chế biến thủy sản trong nước chỉ hoạt động 40 – 50% công suất.
Nhìn lại nông sản Việt
Thực tế thương nhân Trung Quốc tích cực “đổ bộ” vào Việt Nam mua nông sản kiểu này đã diễn ra nhiều năm nay và giá mua lúc nào cũng cao hơn trong nước. Anh Nguyễn Văn Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) nói: “Thương nhân Trung Quốc mua vải thiều với giá phổ biến 8.000 – 16.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá của thương nhân Việt Nam; thuận mua vừa bán, họ không ép giá như thương nhân của ta”. Chị Phạm Thị Lan, chủ một trại vịt ở Tiền Giang cho biết: Năm ngoái, giá trứng vịt lúc cao nhất chỉ 21.000 đồng/chục, nhưng thương nhân Trung Quốc vẫn mua 26.000 – 27.000 đồng/chục; giá trứng vịt muối bán ở các chợ 3.200 – 3.400 đồng/quả, nhưng thương nhân Trung Quốc mua 4.000 đồng/quả; họ trả sòng phẳng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Với vịt đẻ, họ thuê giết mổ rồi vận chuyển về nước chế biến, đẩy giá vịt đẻ thải loại từ 60.000 đồng/con lên 120.000 đồng/con. Thấy thế, nhiều người nuôi vịt đẻ tranh thủ bán tháo đàn, dù chưa tới kỳ thải loại.
Gạo, đường, sắn cũng được mua với số lượng rất lớn. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc hơn 300.000 tấn gạo, hơn 100.000 tấn đường và con số này vẫn tiếp tục tăng.
Bài học nào cho ta?
Trong bối cảnh thị trường bấp bênh, việc bán hàng cho thương nhân Trung Quốc với số lượng lớn, giá cao phần nào được xem là cứu cánh cho nông dân. Nhưng không phải lúc nào cũng là “quả ngọt”, nhất là với doanh nghiệp.
Điển hình như ngành tôm, nhiều doanh nghiệp tôm trong nước đang không chỉ đối diện tình trạng thiếu hụt nguyên liệu mà nguy cơ lâu dài sẽ mất bạn hàng, mất thị trường. Lượng tôm nguyên liệu thô xuất khẩu tăng cao, cơ cấu sản phẩm tôm giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm sút nghiêm trọng.
Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, lỗi không phải do nông dân, bởi với người sản xuất thì luôn mong muốn bán dễ, bán giá cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường có thói quen o ép giá, khi cần thì mua với giá cao, khi đã đủ nhu cầu thì tìm mọi cách “dìm”. Chính cách làm ăn này đã khiến nông dân “quay lưng”, khi gặp đối tác trả giá cao hơn.
Nhìn nhận một cách khách quan, Trung Quốc là thị trường tốt để tiêu thụ nông sản, bởi nhu cầu lớn, nông dân sẽ được lợi. Tuy nhiên, nếu họ thay đổi chích sách, việc tiêu thụ nông sản sẽ gặp rủi ro. Cùng đó, việc họ mua giá cao có tính tức thời sẽ khiến quy hoạch sản xuất bị phá vỡ, mà sắn hay khoai lang tím là một bài học.
Do vậy, để tránh bị động và nhận “trái đắng”, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi chiến lược mua nguyên liệu và tư duy làm ăn, liên kết chặt chẽ với nông dân trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải “nhanh” hơn trong công tác dự báo, nhất là về thị trường; phải có quy định và quy hoạch rõ ràng đối với từng đối tượng nuôi, từng địa phương. Và như GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nhận định: Trong làm ăn, Trung Quốc luôn có những chính sách căn cơ, lâu dài chứ không đơn giản, ăn xổi ở thì như nhiều người nghĩ. Về lâu dài, cần phải quản lý chặt chẽ công tác giao thương, Nhà nước Việt Nam cần yêu cầu phía Trung Quốc ký nghị định thư cam kết mua mặt hàng nông sản của Việt Nam qua các năm, như các nước đã làm.
>> Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Ngãi, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho rằng, nếu chúng ta bị hút vào thị trường dễ tính thì sẽ không bao giờ chinh phục được thị trường khó tính nữa. Sản xuất nông nghiệp vẫn bấp bênh, phụ thuộc và kém phát triển nên khó kiểm soát kỹ thuật, khó tập trung được lượng hàng đủ cung cấp cho đơn hàng lớn của các thị trường cao cấp. |