Vai trò đắc lực của thú y thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến từng nhận định, công tác thú y thủy sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng; nếu không làm tốt, không những không đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng mà còn không đảm bảo được kế hoạch xuất khẩu, mục tiêu về an toàn thực phẩm và ảnh hưởng trực tiếp tới người nuôi cũng như tốc độ phát triển của ngành thủy sản nói chung.

Nhiều thành tựu quan trọng 

Theo Bộ NN&PTNT, trong thực tế, công tác thú y thủy sản (bao gồm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, quản lý thuốc thú y thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản dùng làm giống là những nhiệm vụ không thể tách rời) được chuyển giao cho các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện từ năm 2008. Bộ cũng ban hành nhiều văn bản gửi các địa phương để thống nhất thực hiện công tác thú y thủy sản trong toàn quốc, nhằm nâng cao hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo điều hành (giữa cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của địa phương với các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của Trung ương và các địa phương khác). Kết quả đến nay, đã có 61/63 tỉnh, thành phố chuyển giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của địa phương thực hiện; công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản đã đi vào ổn định, phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn cho phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững, tạo thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản, cũng như thực hiện các hoạt động chuyên môn thú y của địa phương. 

Quy chế phối hợp hoạt động giữa Cục Thủy sản và Cục Thú y sẽ góp phần quan trọng giúp NTTS phát triển bền vững. Ảnh: Thùy Khánh

Đại diện Cục Thú y cho biết, công tác quản lý nhà nước về thuốc thú y thủy sản đã được thực hiện theo hướng chặt chẽ, hiệu quả. Thể hiện rõ việc cải cách thủ tục hành chính từ đăng ký lưu hành, sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, xuất khẩu, khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng, xử lý, thu hồi, quảng cáo thuốc thú y thủy sản. 

Hiện nay, Việt Nam có 1.851 sản phẩm thuốc thú y thủy sản, trong đó 1.750 sản phẩm sản xuất trong nước; 101 sản phẩm nhập khẩu; hơn 1.000 loại thuốc thú y đã xuất khẩu sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này góp phần khẳng định được uy tín, chất lượng của thuốc thú y sản xuất trong nước. Song song với đó, Việt Nam còn chủ động nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại vaccine phòng các bệnh thủy sản như: Vaccine phòng bệnh xuất huyết, gan thận mủ trên cá tra, vaccine phòng bệnh do Streptococcus trên cá rô phi, đã có 6 sản phẩm vaccine thủy sản được cấp phép lưu hành, sử dụng trong nước. 

Năm 2019, Việt Nam có 50 triệu liều vaccine thủy sản Panga 2 đăng ký lưu hành, sử dụng, năm 2020 là 45 triệu liều, 6 tháng đầu năm 2021 là 19 triệu liều, năm 2022 là 67 triệu liều. Đây chính là cơ sở quan trọng góp phần kiểm soát dịch bệnh, xây dựng thành công hàng nghìn vùng, cơ sở nuôi an toàn, đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng thành công 33 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 30 cơ sở sản xuất tôm và 2 cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu. 

Về định hướng công tác thú y thủy sản trong thời gian tới, Cục Thú y tập trung phòng, chống một số bệnh nguy hiểm đang lưu hành (AHPND, WSD, IHHND… trên tôm; gan thận mủ, xuất huyết trên cá tra…) và một số bệnh gây thiệt hại lớn (EHP, phân trắng, đỏ thân, ký sinh trùng…). Kiểm soát chặt, ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh chưa có ở Việt Nam xâm nhiễm vào trong nước (DIV 1, TS, YHD, IMNV, NHP-B…). Ứng dụng công nghệ số trong báo cáo, phân tích số liệu, chia sẻ thông tin dịch bệnh (hệ thống VAHIS), phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. 

Tăng cường phối hợp, tạo đà phát triển 

Việt Nam có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh NTTS, tuy nhiên cũng có không ít nguyên nhân khiến cho lĩnh vực này chưa thực sự bứt phá, đó là: dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự biến động của thời tiết, con giống… Báo cáo của Cục Thủy sản, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng diện tích NTTS bị thiệt hại khoảng 22.550 ha, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ngoài ra có khoảng 1.513 bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Thậm chí, có không ít người nuôi vẫn còn lựa chọn những loại kháng sinh, chất tăng trọng không rõ nguồn gốc để trộn cùng thức ăn cho tôm cá, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. 

Do đó, giải quyết triệt để những vấn đề này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành thú y cùng chung tay với ngành thủy sản, tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò quan trọng khi sử dụng thuốc đúng cách, kịp thời phát hiện và kiểm soát các dịch bệnh trong nuôi trồng, chủ động quan trắc và cảnh báo môi trường cho người nuôi. 

Để thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp của hai ngành, ngày 22/9 vừa qua, Cục Thú y và Cục Thủy sản đã ký “Quy chế phối hợp trong công tác thú y thủy sản và quản lý NTTS”. Quy chế gồm 3 Chương và 8 Điều, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung và phương thức phối hợp giữa hai đơn vị, cùng chia sẻ thông tin, tài liệu và số liệu về NTTS; quan trắc cảnh báo môi trường NTTS; phòng, chống dịch bệnh thủy sản; phòng, chống kháng kháng sinh, quản lý giống thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản; quản lý thuốc thú y thủy sản; quản lý thức ăn thủy sản; sản phẩm xử lý môi trường NTTS… 

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc ký quy chế hợp tác giữa hai đơn vị là rất quan trọng. Để nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện, hai bên cần đầu tư nhân lực, kinh phí, trang thiết bị. Cục Thú y đã kiểm soát được các dịch bệnh nghiêm trọng trong chăn nuôi, do đó, thời gian tới cần tập trung cùng với Cục Thủy sản tích cực kiểm soát dịch bệnh trong NTTS, giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi. 

ÔNG TRẦN ĐÌNH LUÂN, CỤC TRƯỞNG CỤC THỦY SẢN 

Sau bản Quy chế này, hai bên sẽ có thêm nhiều sáng kiến để chia sẻ, cùng phối hợp thực hiện các nội dung, kế hoạch đã đề ra, giúp lĩnh vực nuôi thủy sản phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 

ÔNG NGUYỄN VĂN LONG, CỤC TRƯỞNG CỤC THÚ Y 

Trong những năm qua, Cục Thủy sản và Cục Thú y đã và đang có sự phối hợp tích cực trong các hoạt động; tuy nhiên, sự kết hợp trước đây còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó, sự ra đời của Quy chế phối hợp sẽ là bước tiến quan trọng để hai đơn vị triển khai nhiệm vụ nhịp nhàng, hiệu quả hơn, đưa từng nội dung trong quy chế thành hành động thực tiễn, để hai đơn vị thực sự trở thành cơ quan giúp việc đắc lực cho Bộ NN&PTNT. 

Nam Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!