(TSVN) – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định, nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản là một trong 6 chủ trương lớn trong phát triển kinh tế biển. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản vì một quốc gia giàu từ biển và một nghề cá bền vững.
Bảo tồn biển, bao gồm bảo vệ nguồn lợi sinh vật, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái biển và sử dụng hợp lý các giá trị từ bảo tồn, là một nhiệm vụ chiến lược không thể tách rời của quá trình quản lý nghề cá hiệu quả và bền vững ở nước ta. Có bảo tồn tốt mới giữ được các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái, mới có nguồn lợi hải sản để khai thác, mới có nguồn sinh kế lâu dài cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo; mới có lực lượng bám biển, bám đảo thực hiện chủ quyền dân sự của nước ta trên Biển Đông và ngư dân mới không đi khai thác IUU ở nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh mức độ suy thoái đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển nước ta và Biển Đông đang ở mức báo động và nguồn lợi hải sản có biểu hiện suy kiệt (FAO, 2015), thì công tác bảo tồn phải được xem là vấn đề ưu tiên cao nhất cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và ngành thủy sản, gần đây cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược biển 2030). Theo đó, kinh tế biển nước ta, bao gồm ngành thủy sản, sẽ hướng mạnh vào phát triển kinh tế biển xanh (Blue marine economy) trên cơ sở bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển. Việc mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản…; tập trung bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, vì thế, đã trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh và cũng là một trong những nhiệm vụ của ngành thủy sản.
Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn biển đang gặp không ít khó khăn, trắc trở, dù các nhà nghiên cứu Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề bảo tồn biển từ năm 1980. Đến tận ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định 742/QĐ-TTg với tổng diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, bao gồm khoảng 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế, gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp được quản lý. Chúng phân bố tập trung ở vùng biển ven bờ của 12 tỉnh ven biển, xa bờ nhất là khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đến nay, chỉ có 11/16 khu bảo tồn biển nói trên thành lập được Ban quản lý và đi vào hoạt động, thuộc sự quản lý của các cơ quan thẩm quyền khác nhau tùy theo sự phân công của UBND tỉnh/thành phố Trung ương liên quan. Như vậy, chỉ khoảng 0,18% diện tích vùng biển nước ta đến nay được bảo tồn. Các vi phạm xâm hại đến các giá trị và chức năng của khu bảo tồn biển vẫn ở mức phức tạp; số vụ vi phạm tăng, có khu ở mức nghiêm trọng, khó phát hiện và khó xử lý. Đáng lưu ý là sau khi nhận cảnh báo “thẻ vàng” của EU, số lượng tàu đánh cá IUU ở nước ngoài giảm, các chủ tàu đánh bắt ở “ao nhà” trong tình cảnh thiếu cá, nên không ít đã tiến hành đánh cá ngay trong vùng lõi của khu bảo tồn biển.
Mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian sử dụng khu bảo tồn biển giữa nghề cá và du lịch tăng nhanh trong những năm gần đây. Vì vậy, về bản chất, du lịch sinh thái phải gắn với các giá trị bảo tồn tự nhiên, nhưng trong trường hợp này các hoạt động du lịch lại trở thành thách thức đối với mục đích bảo tồn. Cho nên, cần sớm phát triển nghề cá giải trí và du lịch lặn (diving tourism) thân thiện với khu bảo tồn biển.
Bên cạnh các thách thức, khó khăn cũng xuất hiện không ít cơ hội để mở rộng mạng lưới khu bảo tồn biển quốc gia và cấp địa phương. Điều 23 của Luật Quy hoạch (2017) lần đầu tiên quy định “Nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia”. Theo đó, việc “phân vùng chức năng” bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển là hai mảng không gian cốt yếu trong phương án quy hoạch không gian biển sắp tới. Đây là cơ hội để ngành thủy sản lồng ghép thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia vào năm 2030 như đã nói trên.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên, cần phải quy hoạch mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trong hệ thống 16 khu bảo tồn biển quốc gia nói trên; Thành lập mới các khu bảo tồn biển, ven biển trong hệ thống quốc gia (ngoài 16 khu nói trên) dựa trên kết quả của các dự án đã thực hiện trong Đề án 47; Tăng cường, mở rộng hệ thống các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản biển, ven biển, ven đảo; Tăng diện tích các hệ sinh thái (rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn…), bao gồm trồng mới, chuyển vị, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái…; Mở rộng các khu vực bảo tồn biển, ven biển, đảo để được công nhận các danh hiệu theo quy định của các công ước quốc tế khác nhau, như: Di sản thiên nhiên biển (Công ước di sản), Khu Ramsar ven biển (Công ước Ramsar), Khu vực biển quan trọng về sinh học và sinh thái học – EBSA (Công ước Đa dạng sinh học), Vùng biển đặc biệt nhạy cảm về môi trường – PSSA (Công ước MARPOL).
Ngoài ra, quan niệm về bảo tồn được mở rộng, bảo tồn không phải vì bảo tồn, mà cần chia sẻ lợi ích từ bảo tồn. Vì thế, một số tổ chức quốc tế đang khuyến khích hỗ trợ xây dựng các loại hình bảo tồn khác (Other area-based conservation), xác định các tiêu chí cụ thể về các loại hình bảo tồn “phi truyền thống” này ở các cấp độ khác nhau, kể cả cấp cộng đồng địa phương. Ví dụ: Khu đô thị sinh thái ven biển, đô thị đảo thích ứng biến đổi khí hậu… Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với tính đa dạng của các loại hình bảo tồn biển như gợi ý trên, hy vọng chỉ tiêu đạt 6% diện tích vùng biển tự nhiên quốc gia vào năm 2030 có tính khả thi.
>> Bảo tồn biển không chỉ là phương thức phát triển bền vững và cung cấp tiền đề cho phát triển nghề cá có trách nhiệm ở nước ta, mà còn gắn chặt với phúc lợi của người dân ven biển và trên các đảo. Có thể nói, bảo tồn và phát triển kinh tế biển là hai mặt của một vấn đề trong phát triển kinh tế biển xanh. |
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam