Vụ tôm mới ở Duyên hải Nam Trung bộ: Thua ngay đầu vụ

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau nhiều năm thất bại liên tiếp, hầu hết người nuôi tôm ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ cạn kiệt vốn để đầu tư cho vụ nuôi mới. Nhiều hộ gắng gượng xoay sở vốn thả nuôi vụ mới với hy vọng gỡ gạc. Thế nhưng niềm hy vọng trên nhanh chóng bị tắt ngấm vì chỉ mới đầu vụ mà dịch bệnh đã tấn công ào ạt.

Tiếp tục “phủi tay”

Trong khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, tại thời điểm này, có lẽ Quảng Nam là tỉnh có diện tích nuôi tôm bị chết nhiều nhất. Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh đã có đến 102 ha diện tích nuôi tôm dính bệnh. Anh Ba Vinh ở thôn Kim Thành, xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), cho biết: “Từ năm 2010, khu vực nuôi tôm thuộc 2 xã Kim Đới và Kim Thành đã bị dịch bệnh tấn công, ban đầu chỉ rải rác, sau lan rộng khắp vùng. Sang năm 2011, cả 2 vụ tôm trên địa bàn đều bị mất trắng. Đến năm 2012, dịch bệnh không thuyên giảm mà còn ngày càng nặng nề hơn, người nuôi tôm trong vùng thua lỗ liên miên, bao nhiêu vốn liếng trút cả xuống hồ theo con tôm nên trắng tay. Sang năm 2013 này, ai còn khả năng vay mượn được ít tiền thì tiếp tục đầu tư nuôi để mong gỡ được ít vốn, nào ngờ lại thua…”.

Phó chi cục trưởng Chi cục NTTS Quảng Nam Phạm Thị Hoàng Tâm, cho biết thêm: “Hầu hết trong 102 ha diện tích nuôi tôm bị chết trong vụ này đều do bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy (hội chứng tôm chết sớm). Diện tích tôm chết rải đều trên địa bàn 6 huyện ven biển có nuôi tôm. Những hồ thả nuôi sớm, tôm được 1 – 2 tháng rồi mới chết thì còn gỡ gạc được chút vốn vì lúc này tôm đã đạt khoảng 300 con/kg, bán cũng được 30.000 – 40.000 đ/kg. Những hồ thả nuôi chưa được 1 tháng tôm đã chết thì đứt vốn, có khoảng 30% diện tích tôm chết nằm trong diện này. Bộ NN-PTNT vừa cấp cho Quảng Nam 40 tấn hóa chất để khống chế dịch bệnh, ngăn lây lan”.

Các chủ hồ thường xuyên vớt tôm kiểm tra

Cũng như Quảng Nam, tại tỉnh Quảng Ngãi, trong suốt 3 năm qua, người nuôi tôm ở đây liên tiếp bị thua lỗ, lâm cảnh nợ nần chồng chất. Thất bại nặng nề nhất là những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Tôm vừa thả giống chỉ mới mấy chục ngày sau là chết trắng hồ. Nóng lòng gỡ gạc, lại mua giống về thả. Tôm lại chết. Có hộ mỗi năm mất đến vài ba trăm triệu cho 3 đợt thả giống. Người được mệnh danh là “lão làng” trong phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Đức Phong (Mộ Đức, Quảng Ngãi), anh Phạm Hồng Danh, cũng đang long đong vì tôm. Vụ tôm này anh Danh thả nuôi 4 hồ (khoảng 40 vạn giống). Khi tôm mới được 75 ngày tuổi thì đã bị chết hàng loạt, chỉ còn sống khoảng 30%. Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã thả nuôi 300 ha tôm với 260 triệu con giống. Tôm vừa thả nuôi đã có nhiều diện tích bị chết, chủ yếu do bệnh đốm trắng và hội chứng chết sớm. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 40 ha tôm nuôi bị chết, tập trung tại huyện Tư Nghĩa.

Còn tại Bình Định, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS, cho biết: “Hiện nay, diện tích tôm nuôi ở Bình Định bị dịch bệnh là 30 ha xảy ra trên đối tượng tôm thẻ chân trắng. Trong đó, bệnh do virus đốm trắng là 12 ha, bệnh hoại tử gan tụy 18 ha, tập trung tại 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước”.


Nghe đến tôm là… run

Theo những chủ hồ nuôi tôm, bị thua lỗ vì con tôm thì chỉ có thu nhập từ tôm mới cứu vãn được. Do đó, trong những năm qua, họ vẫn không ngừng bám hồ để mong có cơ may thành công một vài vụ gỡ vốn. Tuy nhiên, sau những thất bại liên hoàn, bây giờ nhìn đến hồ tôm, nghe đến chuyện nuôi tôm là… run, vì đã cạn vốn và cũng vì sợ lại thất bại. Đó chính là nguyên nhân mặc dù vụ nuôi năm 2013 qua đã hơn 2 tháng rồi mà trên địa bàn các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ nhiều diện tích hồ tôm vẫn đang “ở giá”.

 

Tôm thẻ chân trắng mới 1 tháng rưỡi đã lăn đùng ra chết

“Trong điều kiện nguồn nước nuôi ngày càng bị ô nhiễm, tôm dính dịch bệnh liên miên thì hình thức nuôi quảng canh cải tiến xen tôm với các đối tượng thủy sản khác như cua, cá dìa… đang mang lại hiệu quả. Do mức đầu tư cho hình thức nuôi nói trên rất ít so với nuôi chuyên tôm nên lỡ tôm dính dịch bệnh cũng còn thu được cua, cá dìa; đây là những loài thủy sản nước lợ có giá trị kinh tế cao”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Bình Định.

Tại Quảng Nam, theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, trong số 2.200 ha diện tích nuôi tôm nước lợ, dù vụ 1/2013 được thả nuôi đã hơn 2 tháng nay nhưng hiện vẫn còn khoảng 700 ha chưa được cải tạo để bước vào SX. Ngoài TP Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, TP Hội An đều xảy ra tình trạng này. Huyện Duy Xuyên là địa phương dẫn đầu về diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam trong nhiều năm qua, thế nhưng vào thời điểm này, vùng tôm ở xã Duy Vinh im ắng đến hiu hắt. Nhiều diện tích ao nuôi nằm phơi mình dưới nắng, không được chủ hồ ngó ngàng. Ngay cả nhiều ao hồ nuôi tôm trên cát bằng hình thức lót bạt tại các vùng ven biển cũng đang bị bỏ giá. “Trong vụ nuôi mới này, các chủ hồ rất dè dặt vì vốn liếng đã cạn, dịch bệnh lại chưa buông tha con tôm nên sợ tiếp tục bị thua lỗ, cứ trông qua trông lại chưa dám thả nuôi. Trong thời gian tới, nếu dịch bệnh vẫn hoành hành trên con tôm, họ sẽ thả nuôi các đối tượng thủy sản khác, tránh không bỏ trống hồ”, bà Tâm nói.

Tình trạng này cũng xuất hiện ở Quảng Ngãi. Đơn cử như ở huyện Tư Nghĩa, theo Phòng NN-PTNT, trên địa bàn huyện có 170 ha diện tích nuôi tôm. Thế nhưng trong vụ nuôi này, dự kiến chỉ thả nuôi khoảng 130 ha bởi nguyên nhân nhiều chủ hồ sợ thua lỗ nên đành bỏ trống hồ, không dám nuôi. Tương tự, tại Bình Định, Chi cục NTTS cho biết, vụ nuôi tôm năm nay do lo ngại dịch bệnh bùng phát và một số hộ thiếu vốn đầu tư sản xuất nên việc thả giống cũng đang diễn ra rất chậm. Hiện chỉ mới có 1.750/2.243 ha diện tích hồ tôm đã được thả giống. Đặc biệt, trong năm nay có đến 1.370 ha ao hồ được người nuôi chuyển hình thức nuôi sang quảng canh cải tiến, nuôi xen tôm với các đối tượng thủy sản khác như cua, cá.

>> Quảng Ngãi: Công bố dịch virus đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố dịch virus đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng tại địa bàn huyện Tư Nghĩa theo đề nghị của Sở NN-PTNT. Đây là lần đầu tiên tỉnh này công bố dịch virus đốm trắng trên tôm.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu trong thời gian có dịch virus đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng xảy ra, cần áp dụng một số biện pháp chuyên môn nghiệp vụ phòng, chống dịch theo Thông tư số 52/2011/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2011 của Bộ NN-PTNT.

Từ đầu vụ đến giữa tháng 4/2013, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 40 ha tôm bị dịch bệnh, trong đó một nửa diện tích tập trung ở huyện Tư Nghĩa. Trong số 5 mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng IV xét nghiệm thì cả 5 mẫu đều dương tính với virus gây bệnh đốm trắng. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo ngành thú y tiếp tục theo dõi, kịp thời phát hiện bệnh và hướng dẫn người nuôi xử lý, tránh lây lan trên diện rộng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tư Nghĩa, toàn huyện có 170 ha nuôi tôm. Vụ 1 này dự kiến thả nuôi 130 ha, hiện đã thả nuôi 80 ha, trong đó thả trước lịch khoảng 17 ha. Đến giữa tháng 4, có 19 ha tôm bị chết do bệnh đốm trắng (trong đó có toàn bộ 17 ha thả trước lịch thời vụ). Cũng theo cơ quan này, giống tôm mà bà con thả nuôi đa số là giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Hải Yến

Vũ Đình Thung

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!