(TSVN) – “Vua cá chẽm” Sóc Trăng và giấc mơ chinh phục thế giới
Anh Võ Điền Trung Dũng nói: “Trước đây mọi người quen nghĩ mặt hàng cá chẽm chỉ tiêu thụ nội địa, khó có khả năng xuất khẩu, nhưng nhiều nước trong khu vực đã âm thầm chế biến xuất khẩu mặt hàng này. Đối với trang trại chúng tôi, sau nhiều năm nuôi cá chẽm tiêu thụ trong nước thì nay kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Chúng tôi tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xuất khẩu cá chẽm”.
Anh Dũng dẫn đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đi thăm trang trại nuôi cá chẽm ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề; một vị trí đắc địa, vừa gần sông ngòi, vừa gần biển, môi trường, nguồn nước tốt, khí hậu rất ổn định.
Ông “vua cá chẽm” cho biết: “Chuẩn bị nguồn lực, đưa cá chẽm ra thế giới là việc không thể “mơ hồ” được, mà cần phải có nguồn tài chính vững vàng, không lúng túng khi giá cả thế giới biến động. Cá chẽm cạnh tranh với cá tuyết của Nga rất quyết liệt, nhưng người tiêu dùng ngày càng yêu thích cá chẽm”.
Thu hoạch cá chẽm xuất bán cho chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) khi cá đạt trọng lượng 1,2 – 1,5 kg/con tại mô hình của anh Dũng. Ảnh: Xuân Trường
Năm 2011, anh Dũng đã chuyển 3,5 ha cánh đồng tôm của mình sang nuôi cá chẽm và thuê thêm 10 ha để mở rộng vùng nuôi. Sau 12 năm theo đuổi nghề nuôi cá chẽm, hiện nông trại của anh Trung Dũng là một trong những farm nuôi cá chẽm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng và nổi tiếng trong giới nuôi cá chẽm cả nước. Anh được xem là một người tiên phong trong nghề nuôi cá biển và rất nhiều doanh nghiệp, ngư dân tới tham quan học tập mô hình của anh.
Chia sẻ với ông Dương Xuân Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Thủy sản Việt Nam, “vua cá chẽm” phấn khởi nói: “Cá chẽm năm nay xuất khẩu tốt, với sản lượng đã chiếm 50% tổng sản lượng nuôi trồng chế biến. Thành công này cách đây vài năm ít ai dám nghĩ tới. Chúng tôi xuất khẩu cá chẽm đi Malaysia, Indonesia, Trung Đông, EU, Mỹ, Canada… khá thuận lợi. Đây là tín hiệu đáng mừng và cũng là sự khẳng định ưu thế của ngành nuôi cá biển hiện nay.
Mô hình nuôi của “vua cá chẽm” là điển hình tiêu biểu trong phát triển NTTS tại Sóc Trăng. Ảnh: NA
Khi nguồn cá biển đánh bắt trong tự nhiên ngày càng giảm sút thì sản lượng cá biển nuôi sẽ trở thành nguồn cung thay thế rất hiệu quả”.
Anh Võ Điền Trung Dũng cho biết: “Cá chẽm có thể chịu được nhiệt độ nước biển lên tới 35°C. Trong bối cảnh nước biển dâng và Trái đất nóng lên thì việc nuôi cá chẽm không bị ảnh hưởng, thậm chí còn thuận lợi hơn trước đây. Tại Sóc Trăng, người dân nuôi cá chẽm đều cho sản lượng tốt, tỷ lệ sống cao tới 85%, hiệu quả hơn nhiều so với nuôi tôm”.
Để ngành cá chẽm phát triển bền vững, cần có quy hoạch bài bản về vùng nuôi. Ảnh: NA
Năm 2023, anh Dũng nuôi và thu mua chế biến 4.000 tấn cá chẽm. Trong đó cá chẽm nuôi tại trang trại đạt sản lượng 2.000 tấn, còn lại là từ các trang trại nuôi liên kết. Doanh nghiệp của anh đang đạt con số lợi nhuận khoảng 12%/năm. “Thức ăn sản xuất cho cá biển khoảng 200.000 tấn/năm, thì ước khoảng 100.000 tấn trong đó đã dành cho cá chẽm.
Như vậy, cá chẽm đang nổi lên là một ngành hàng nuôi biển quan trọng của đất nước” – anh Dũng khẳng định. Vua cá chẽm còn so sánh: “Nếu nuôi cá rô phi phải chịu sự cạnh tranh lớn từ nước láng giềng Trung Quốc – cường quốc về cá rô phi, thì nuôi cá chẽm có được vị thế ổn định hơn do hiện chủ yếu chỉ các nước Đông Nam Á phát triển nghề nuôi cá chẽm”.
Bên cạnh những lợi thề đó, sự phát triển ngành hàng này còn nhiều khó khăn, như trăn trở của “vua cá chẽm”: “Khó khăn lớn nhất hiện nay, theo tôi vẫn là con giống. Cả nước chưa có trang trại giống nào quy mô cả. Chúng tôi thường phải thu gom con giống từ nhiều địa phương về nuôi trộn lẫn với nhau. Thời gian sắp tới, để có thể xuất khẩu cá chẽm số lượng lớn ra toàn cầu, rất cần nguồn giống chất lượng, đồng đều, sạch bệnh, chất lượng cao”.
Theo anh Dũng, phong trào nuôi cá chẽm đang lên và người nuôi cũng như doanh nghiệp đều sống tốt. Nhưng nếu thời gian tới, vùng nuôi phát triển quá nhiều mà chỉ tiêu thụ nội địa thì sẽ khủng hoảng thừa nguyên liệu. Bên cạnh đó còn vấn đề về quy hoạch, nếu không quy hoạch nuôi trồng sản xuất cá chẽm, các địa phương rất dễ bị chồng chéo vùng nuôi. Người người tranh nhau thả nuôi, dẫn tới thừa cục bộ sản lượng. Khi cung lớn hơn cầu thì giá không ổn định, khó xuất khẩu. Giá cá chẽm cần ổn định, thậm chí ổn định hơn cả giá tôm nữa, vì đây là mặt hàng mới mẻ của Việt Nam đi ra thế giới”.
Do vậy, ngành cá chẽm muốn phát triển bền vững phải tìm đường xuất khẩu. Muốn vậy, rất cần sự hỗ trợ quan tâm của các cấp ngành, địa phương, đặc biệt là Chính phủ, để quy hoạch phát triển cá chẽm thành một thương hiệu quốc gia, góp phần đa dạng sản phẩm thủy sản xuất khẩu và tăng kim ngạch cho đất nước.
>> Anh Võ Điền Trung Dũng đúc kết: “Giải quyết tốt khâu giống và nhận được sự ưu đãi về vốn, chắc chắn ngành nuôi và chế biến cá chẽm Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng, xuất khẩu tốt và dần tạo ra vị thế trên thị trường thế giới như ngành tôm và cá tra từng đạt được. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, cá chẽm Việt Nam sẽ trở thành một thương hiệu thủy sản mới của đất nước trên trường quốc tế”.
Nguyễn Anh