T2, 06/07/2020 09:54

Xôn xao “cá linh giả” – Quýt làm, cam chịu

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá linh được xem là một trong những đặc sản “mùa nước nổi” của người dân Nam bộ. Hàng năm cứ vào đầu mùa nước nổi (còn gọi là mùa lũ) là cá linh ngoài tự nhiên xuất hiện khá nhiều.

Từ thượng nguồn, cá bột và trứng cá linh trôi theo dòng nước lũ, chúng lớn dần và là nguồn lợi mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng lũ khai thác kiếm sống. Cá linh tự nhiên được chế biến trong nhiều món ăn khoái khẩu mang đậm chất Nam bộ (lẩu chua cá linh, lẩu mắm cá linh, cá linh hấp gừng…) vì vậy mà chúng luôn đắt hàng. Lợi dụng ưu thế này mà nhiều thương lái đã mua giống cá trôi cỡ 150 con/kg sau đó đổi tên chúng thành cá linh để bán cho người tiêu dùng với giá cao gấp 2 – 3 lần giá gốc.

Cá trôi bị đồn thổi là cá linh giả

Do hình dạng bên ngoài cá linh và cá trôi rất giống nhau, chỉ các nhà chuyên môn nhìn kỹ mới phân biệt được. Chính vì vậy mà trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng xôn xao thông tin về “cá linh giả”. Thay vì chỉ rõ nguồn gốc và phân tích, so sánh giữa cá trôi với cá linh để người dân khỏi bị nhầm lẫn, đằng này một số thông tin lại xoáy sâu vào tên “cá linh giả” gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.

Từ khi xuất hiện thông tin “cá linh giả”, mặc dù lượng cá linh tự nhiên chưa nhiều nhưng hàng trăm hộ ương giống cá trôi trên địa bàn huyện Cái Bè, Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang phải lao đao vì không bán được cá giống. Theo ông Âu Văn On, một chủ trại sản xuất và ương cá giống có tiếng ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang thì chỉ riêng trên địa bàn xã Hậu Mỹ Bắc A có khoảng 65 hộ làm nghề sản xuất và ương nuôi cá giống, trong đó có cá trôi luôn cho thu nhập khá. Bình quân cá trôi giống cỡ 120 – 150 con/kg bán giá 40.000 – 45.000 đ/kg cho thương lái mua về nuôi hoặc bán vào các nhà hàng, quán ăn, chợ làm thức ăn khi nguồn thực phẩm còn khan hiếm. Cá trôi luôn được thương lái đặt hàng thu mua hàng ngày nhờ đó mà thu nhập của nghề sản xuất và ương giống cá trôi khá ổn định, cũng vì thế mà thu hút nhiều người dân ở địa phương tham gia ương loại cá này.

Tuy nhiên, từ khi có thông tin “cá linh giả” thì việc sản xuất và kinh doanh giống cá trôi gần như bị bế tắc, không có thương lái đến thu mua; cá giống sản xuất ra không bán được hoặc giá rất thấp. Thực tế khi sản xuất và bán cá giống, người dân luôn đảm bảo đúng loại và đúng giá bán, việc đổi tên cá trôi thành cá linh để nâng giá kiếm lời lại là người khác nhưng hậu quả thì người trực tiếp sản xuất và ương nuôi cá trôi lãnh đủ.

Thực chất người tiêu dùng chọn mua cá linh hoặc cá trôi để làm thực phẩm đều không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ cả, cũng như chưa có nghiên cứu nào cho rằng hàm lượng dinh dưỡng của cá linh hơn cá trôi. Điểm khác biệt ở đây là cá linh thường được khai thác từ tự nhiên nên sản lượng ít, hiếm hàng nên giá cao, ngược lại cá trôi chủ động sản xuất được, sản lượng nhiều, dễ vận chuyển cá sống nên giá bán có thấp hơn cá linh.

Cá trôi, còn gọi là cá trôi Ấn Độ là loài cá nước ngọt, có 2 loại:

– Cá Labeo rohita phân bố tự nhiên ở hệ thống sông Hằng và phía Bắc Ấn Độ, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I nhập vào Việt Nam từ năm 1982 theo chương trình di giống của Uỷ ban quốc tế sông Mêkông và cho sinh sản nhân tạo thành công năm 1984, hiện nay đã trở thành một trong các đối tượng nuôi phổ biến.

– Cá Cirrhina mrigala Hamilton phân bố ở Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Mianma được nhập về Việt Nam năm 1984 do Uỷ ban quốc tế sông Mêkông thực hiện theo chương trình hợp tác nghiên cứu cá nước ngọt. Lúc đầu được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản thuỷ sản II, TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 6/1986 cá được chuyển ra Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, cho đẻ thành công năm 1987 và hiện nay là một trong những đối tượng cá nuôi ở nước ta.

Cá trôi là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến. Trong khi mọi người đang thắt chặt hầu bao, tiết kiệm chi tiêu cho mỗi bữa ăn hàng ngày để ứng phó với cơn bão giá thì việc chọn cá trôi với giá cả phù hợp làm nguồn thực phẩm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên để có sự phân biệt rõ ràng thì cần phải dựa vào các đặc điểm về hình thái của cá trôi để nhận diện, tránh trường hợp mua cá trôi với giá cao gấp 3 lần giá trị thực của nó như thời gian qua.

TH.S HUỲNH VĂN THẢO

Theo Nông Nghiệp VN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!