(TSVN) – Nửa đầu năm 2023 thật sự rất khó khăn với ngành tôm Việt Nam, nhưng hiện thị trường đã dần có dấu hiệu khởi sắc hơn. Vì vậy, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành, chúng ta có quyền hy vọng rằng, trong năm 2023 ngành tôm sẽ về đích sớm và vượt xa mục tiêu 4 tỷ USD của năm 2022.
Theo đánh giá của ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nhìn chung bức tranh thị trường tôm nửa đầu năm nay rất ảm đạm. Cụ thể, năm 2022 xuất khẩu tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh tới gần 32% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc – Hồng Kông và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số; trong đó giảm mạnh nhất thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc giảm 28%, Nhật Bản giảm 29% và Trung Quốc và Hồng Kông giảm 15,7%.
Nguồn: Bộ NN&PTNT; Đồ họa: TSVN
Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và để lại những hậu quả vô cùng to lớn đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; cùng đó là chu kỳ khô hạn tại ĐBSCL đang biến đổi khó lường trong những năm gần đây, khiến cho nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm tăng cao. Theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, hiện các hộ gia đình nuôi tôm trên địa bàn cả nước tại một số nơi vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ chưa đồng bộ, nhất là tại các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ, mặc dù đây vốn được xem là vùng nuôi tôm thế mạnh của cả nước. Trước hết là hạ tầng đường xá, giao thông tại vùng nuôi hạn chế, nguồn nước cấp, nước thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Chi phí sản xuất tôm còn cao so với các nước đối thủ trên cùng phân khúc thị trường. Nhà nước ta cần phải có những giải pháp quy hoạch căn cơ và đồng bộ, đầu tư mạnh hơn nữa vào những vùng nuôi tôm trọng điểm này để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn sắp tới.
Mặt khác, hiện nay, nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn giống tôm bố mẹ. Nguồn tôm giống chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Vào những giai đoạn khan hiếm, nhu cầu thả nuôi tăng cao, dẫn đến tình trạng nguồn cung không đảm bảo, gây nhiễu loạn thị trường, khiến cho người nuôi tôm gặp vô vàn khó khăn. Theo đánh giá của ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, để tháo gỡ được căn cơ vấn đề cần giải quyết bài toán sản xuất được tôm bố mẹ trong nước thông qua nghiên cứu gia hóa và chọn giống tôm bố mẹ. Làm được điều này sẽ làm giảm lệ thuộc vào nguồn tôm nhập khẩu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh về chất lượng, giá cả cho ngành tôm Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các tham vụ nước ngoài để nắm bắt các yêu cầu của thị trường cũng như thị hiếu tiêu dùng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản và đặc biệt là với các mặt hàng tôm. Về các giải pháp tài chính, phối hợp với Bộ Công thương, từ cuối 2022 khi mà các doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình trạng lượng xuất khẩu thủy sản tồn kho lớn, Chính phủ đã đưa ra các chính sách tháo gỡ khó khăn, đặc biệt vấn đề bất động sản, gia hạn miễn, giãn hoãn nộp thuế, phí, lệ phí… Thêm vào đó, các vướng mắc pháp lý cũng đang được tích cực tháo gỡ theo thẩm quyền, gắn với nghiên cứu để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ngành tôm có nhiều dầu hiệu khởi sắc. Ảnh: ST
Trong khâu nuôi trồng và sản xuất cần đảm bảo đa dạng sản phẩm tôm với kich thước khác nhau. Nhanh chóng cải thiện và đồng bộ cơ sở hạ tầng, các vấn đề môi trường cập thoát nước, xử lý môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, đưa các quy định về hạ tầng để đáp ứng các tiêu chuẩn khắc khe của thị trường EU.
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, để ngành tôm Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư cho các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC, để nâng cao chất lượng, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của con tôm trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra một số các định hướng phát triển ngành tôm trong thời gian tới, như: Cần áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, tiết kiệm nước và nhiên liệu, thân thiện môi trường, hướng tới không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, nuôi có chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của thị trường, nuôi theo hướng giảm thiểu phát thải nhà kính, giảm sử dụng vật liệu nhựa. Đa dạng hóa các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậy. Phát triển nuôi tôm ở các vùng bị nhiễm mặn, vùng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mỗi địa phương. Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế, cần ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát được nhiệt độ trong mùa đông, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà lưới, bể xi măng, ao lót bạt. Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam bộ, phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm – lúa. Áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất tôm nuôi tại các vùng nuôi quảng canh.
Minh Ngọc
>> Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 84 thị trường trên thế giới, với kim ngạch đạt 1,546 tỷ USD giảm 31,9% so cùng kỳ năm 2022, bằng 35,9% so kế hoạch 2023 (4,3 tỷ USD).Riêng trong tháng 6 xuất khẩu tôm đạt 328 triệu USD, giảm 20,9% cùng kỳ.
Ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp - Thương vụ Việt Nam tại Mỹ
Sản lượng lượng tôm nội địa Mỹ chỉ đáp ứng 10% nhu cầu; 90% còn lại đến từ nguồn nhập khẩu của các nước Trung Mỹ, Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm,tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh… Trong bối cảnh giá tôm Việt Nam đang cao hơn nhiều quốc gia khác, Việt Nam nên tập trung phát triển các loài tôm bản địa có tính đặc trưng mà đối thủ cạnh tranh không có; đồng thời nâng cao hàm lượng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm (tôm bao bột, ăn liền, tempura…) hướng tới đáp ứng sự tiện dụng trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, lưu ý doanh nghiệp về vấn đề phòng vệ thương mại khi xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Ông Trương Đình Hòe
Tổng Thư ký VASEP
Hai đối thủ chính của tôm Việt Nam hiện nay là Ecuador và Ấn Độ. Về giá thành sản xuất, tôm Việt Nam đang ở mức 5 USD/kg, gấp đôi so với Ecuador (2,4 USD/kg). Về công nghệ, tỷ lệ thành công của tôm Việt Nam đạt dưới 40%, Ecuador đạt 90% và Ấn Độ đạt 70%. Các nước này đều thực hiện chính sách giảm thuế một số nguyên liệu, phụ liệu, thức ăn nuôi tôm nhằm mục đích sản xuất tôm với giá thành thấp. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng có những giải pháp cải thiện giá thành để tăng sức cạnh tranh.