Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội thảo diễn ra ngày 25/10/2012 tại Thành phố Cần Thơ, do Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức, với sáng kiến kêu gọi đầu tư cho thủy sản khu vực ĐBSCL bằng cách tiếp cận liên kết vùng.

Trong nhiều năm qua, ngành thủy sản đã có sự phát triển liên tục và đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước nói riêng và tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam nói chung. Các tỉnh ĐBSCL với tầm quan trọng, lợi thế và tiềm năng lớn đã có đóng góp quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước. Sản lượng nuôi trồng, khai thác hải sản của toàn vùng liên tục tăng qua từng năm, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi của cả nước.

Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của mình. Tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững. Số lượng tàu thuyền đánh cá tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát, cơ khí tàu thuyền, dịch vụ hậu cần còn nhiều yếu kém. Nuôi trồng thủy sản vẫn tiềm ẩn rủi ro, chưa kiểm soát tốt vấn đề thức ăn, con giống, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Giá cả các mặt hàng thủy sản biến động bất lợi và khó lường. Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu tính liên kết vùng trong sản xuất nguyên liệu, chế biến tiêu thụ và không gian quy hoạch, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản. Các địa phương đầu tư dàn trải, manh mún và thiếu sự hỗ trợ phối hợp.

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực thủy sản rất lớn và nhiều khả năng thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thủy sản mới chỉ có khoảng 70 dự án FDI với hơn 310 triệu USD vốn đăng ký tập trung vào các ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản, thức ăn, giống… Hầu hết là các dự án có quy mô nhỏ, bình quân chỉ hơn 4,4 triệu USD/dự án.

Do vậy, tư duy mới trong cách tiếp cận vấn đề và xây dựng các chính sách đột phá trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài sẽ là chìa khóa đánh thức những tiềm năng to lớn của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Mục tiêu của Hội thảo Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thủy sản tại ĐBSCL lần này nhằm giới thiệu và thảo luận với các nhà đầu tư trong và ngoài nước kế hoạch phát triển thủy sản tổng thể kết nối tất cả các địa phương trong vùng, hướng đến triệt để khai thác thế mạnh của tất cả các địa phương, đồng thời tạo sức mạnh tổng thể để phát triển toàn diện ngành thủy sản vùng ĐBSCL. Trong đó, Cần Thơ được xem là trung tâm kết nối và hỗ trợ các tỉnh về mặt khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, là điểm kết nối thương mại với các tỉnh lân cận và hội nhập kinh tế khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển thế mạnh của các tỉnh, các ngành công nghiệp phụ trợ, ngành chế biến sâu phục vụ chế biến thủy sản.

Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt và nhu cầu phát triển thủy sản của địa phương, các tỉnh sẽ xây dựng danh mục các dự án để các nhà đầu tư, nhà tài trợ, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham khảo, lập kế hoạch đầu tư cho ngành thủy sản ĐBSCL.

>> Hội thảo lần này với ý tưởng hình thành Trung tâm chế biến công nghệ cao tại Cần Thơ, kết nối với các cụm ngành thủy sản chủ lực tại ĐBSCL với sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo cơ quan Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tạo bước đột phá mới, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thủy sản ĐBSCL nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung trong tương lai.  

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!