T2, 06/07/2020 11:06

Bộ tộc “người cá” Bajau sẽ biến mất?

Chưa có đánh giá về bài viết

Người Bajau sống giữa đại dương mênh mông qua nhiều thế hệ, hiếm khi đặt chân lên bờ. Nhưng bộ tộc du mục biển cuối cùng này đang phá hủy dần các rạn san hô và vỉa đá ngầm, do đánh bắt cá bằng hóa chất và mìn tự chế. Chính phủ Malaysia đang vận động họ vào bờ sống ổn định.

Gắn chặt với biển

Truyền thuyết kể lại, công chúa Johor người Malaysia bị cuốn trôi trong một trận lũ quét. Vua cha quá đau buồn đã ra lệnh cho một nhóm người ra khơi tìm kiếm, và chỉ được trở về khi nào tìm thấy công chúa. Cuộc tìm kiếm thất bại nên đã hình thành bộ tộc du mục biển Bajau như ngày nay. Đây là nhóm người Malay, sinh sống trên các vùng biển giữa Philippines, Malaysia và Indonesia.

Trải qua nhiều thế hệ, bộ tộc Bajau tìm cách thích nghi cuộc sống trên biển. Sống cách ly cuộc sống văn minh hiện đại nhưng kinh nghiệm tồn tại trên biển của họ rất đáng nể trọng. Người Bajau là những thợ lặn cừ khôi, có thể lặn sâu hơn 30 m để bắt cá hoặc tìm ngọc trai, hải sâm (họ thường dùng để trao đổi vật dụng cho cuộc sống hằng ngày). Để lặn sâu mà không đau đớn, những đứa trẻ Bajau phải chọc thủng màng nhĩ của mình. Do vậy, người Bajau lớn tuổi thường nặng tai. Họ đeo kính lặn vành gỗ tự chế; dùng xiên, lốp cao su và kim loại thải để đánh bắt cá. “Nhà nổi” của họ là những con thuyền hẹp, mũi cao được thiết kế theo truyền thống gọi là lepa-lepa. Họ chỉ ghé bờ khi cần đổi cá lấy gạo, nước ngọt hoặc vật dụng cần thiết trên thuyền (can nhựa, xoong nồi, đèn măng-xông…).

Đời sống du mục luôn không có ranh giới quốc gia rõ ràng, nên việc đi lại trên biển của họ qua 3 nước Đông Nam Á đã gây ra cuộc tranh cãi giữa các chính phủ, khiến Malaysia phải vận động người Bajau vào bờ và cấp đất cho họ. Hiện, đa số người Bajau đã chuyển tới các làng nhà sàn, như làng Torosiaje, nhưng một số ít vẫn chọn cách duy trì lối sống như cũ.

 

Hủy diệt biển để sinh tồn

Người Bajau tồn tại bằng bất cứ thứ gì họ thu được từ các rạn san hô. Hầu hết những chiếc lepa-lepa chỉ được trang bị động cơ thô sơ. Người Bajau tập trung vào việc làm sao lặn được càng sâu càng tốt để kiếm ngọc trai, hải sâm, nên không ít người đã phải bỏ mạng do bị tê liệt và đuối nước. Dù nguy hiểm tính mạng nhưng họ không bỏ nghề. Để đánh bắt được nhiều hơn, họ đã học cách sử dụng chất độc Kali xyanua. Hình thức đánh bắt cá bằng chất độc hại này xuất hiện lần đầu tiên tại Philippines, do tàu đánh bắt cá Hồng Kông sử dụng để tìm kiếm cá mú, cá Naponeon ở các rạn san hô, phục vụ các nhà hàng hải sản tươi sống đang mọc lên như nấm sau mưa.

Kali xyanua đã phá hủy nhiều rạn san hô ở Coral Triangle và biến chúng thành những rạn san hô chết. Hiện, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã can thiệp kịp thời, mở ra chương trình quản lý, khuyến khích người dân đánh bắt hải sản bền vững; đặc biệt, không sử dụng hóa chất và bom tự chế gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển. Chính phủ Malaysia cũng ủng hộ người dân nuôi cá theo hình thức công nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa, người dân Bajau sẽ sớm kết thúc tình trạng du mục để bước sang cuộc sống hiện đại.

>> Ngành công nghiệp thủy sản đang dần được thương mại và toàn cầu hóa tại Coral Triangle, thu lợi 1 tỷ USD/năm. Hầu hết các loại cá bày bán ở trung tâm thương mại Hồng Kông đều do Malaysia cung cấp.

Mi Lan

Theguardian

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!