T2, 06/07/2020 11:50

Cá nuôi “gắn mác” cá đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần đây, nhiều tiểu thương bán cá lóc, cá rô, cá trê nuôi tại các chợ đầu mối “gắn mác” cá đồng để đẩy giá lên cao. Hành vi gian dối này khiến người mua chịu thiệt!

Nói thách không ngại miệng

“Cá lóc, cá rô đồng đi anh chị, giá chỉ 60.000 – 120.000 đồng thôi!”- một bạn hàng ở chợ Bình Khánh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chào mời rôm rả. Thấy thau cá rô cỡ 2 – 3 ngón tay nhảy xoi xói, chị D. dừng xe lại hỏi: “Cá đồng hay cá nuôi vậy chị?”. Một bạn hàng nhanh miệng: “Cá rô đồng bắt ở rừng tràm. Lâu lâu, mới có hàng chứ đâu có hoài, lấy giá hữu nghị 80.000 đồng/kg”. Sợ bị lừa, chị D. trả giá: “Bớt không chị?”. Người bạn hàng trấn an: “Nói thiệt bán. Không mua thì thôi”. Sau đó, chị D. đồng ý mua. “Cân cho em 1kg, rồi mần sạch luôn nhe…”- chị D. nói. Vừa cầm bọc cá, vừa cúi xuống lựa mớ rau mang về ăn kèm thì chị D. mới được chị bán rau gần đó cho hay, cá rô vừa mua là cá nuôi. Dù ấm ức nhưng chị D. đành ngậm “bồ hòn làm ngọt”.

78-t5.jpg

Cá đồng, cá nuôi, rất khó phân biệt

Rảo quanh chợ Bình Khánh (TP. Long Xuyên), cuối một con đường, hòa cùng tiếng chào mời áo, quần khuyến mãi thì một số bạn hàng cá bày bán khá nhộn nhịp. Ghé lại hỏi mua cá lóc đồng, nhiều chị nói với theo: “Chỗ em có cá lóc đồng, ếch đồng, lươn đồng. Còn có cá rô bắt ở rừng tràm nữa nè…”. Tôi hỏi: “Làm sao phân biệt được cá đồng, cá nuôi”. “Cá rô đồng thì to hơn cá nuôi. Còn cá lóc đồng thì mình và đầu hơi to…”- một bạn hàng nói. Kiểu giải thích ấy của bạn hàng cá, khiến không biết bao nhiêu bà nội trợ bị “hớ” nặng.

Ông bà xưa có câu “buôn có bạn, bán có phường” để nhắc chúng ta phải luôn giữ gìn văn hóa trong kinh doanh. Vậy mà nay, cánh bạn hàng chuyên nói thách và đánh mất luôn chữ “tín” của mình. Không dừng lại ở đó, giới bạn hàng còn đẩy giá cá lên nên người đi chợ phải dè chừng. Một bà trạc tuổi lục tuần “bật mí” với chúng tôi: “Mấy chú muốn mua cá, mua mắm thì phải hỏi mấy cụ già sẽ không bị “hớ”. Nếu bạn hàng hét giá “trên trời” thì mấy chú phải trả “dưới đất” thì mới mong mua đúng giá”.

Khó kiểm soát

Hiện nay, vào đầu mùa lũ, cá lóc, cá rô đồng loại lớn rất khan hiếm. Do đó, cá nuôi vẫn là mặt hàng chủ lực mới đủ nguồn cung cho các chợ đầu mối. Theo các tiểu thương, trên 80% mặt hàng cá lóc, cá rô, ếch… nuôi được bày bán tại chợ. Còn cá đồng chủ yếu là cá linh non, tép, cá bông lau, cá bống… nhưng không nhiều. Hiện nay, giá cá đồng rất đắt, do đó bạn hàng phải quảng cáo cá nuôi là cá đồng để thu lợi nhuận cao. Cá rô nuôi 6 – 7 con/kg bán lẻ 40.000 đồng, nhưng khi “đội lốt” cá đồng thì tăng lên đến 60.000 – 80.000 đồng/kg, thậm chí 100.000 đồng/kg. Cá trê, cá lóc nuôi chỉ từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, chỉ cần bạn hàng “ngụy trang” thành cá đồng thì giá đội lên 120.000 đồng/kg.

Đối với nguồn cá xát cũng được ngư dân nuôi trong lồng bè, do đó sản lượng khá dồi dào. Từ lâu, loài thủy sản này được ngư dân đánh bắt dưới sông nên thịt cá rất ngon, có giá từ 60.000 – 90.000 đồng/kg. Riêng, đối với cá xát nuôi có trọng lượng lớn hơn (khoảng 7 – 8 con/kg). Hiện tại, nguồn cá xát nuôi đang bị giới bạn hàng gắn cho “cái mác” cá thiên nhiên và nâng giá 120.000 đồng/kg. Chị Thủy nói: “Thấy các chị bạn hàng bán cá xát sống rất ngon, với giá 120.000 đồng/kg, tôi liền mua. Nhưng khi mua đem về kho quẹt thì thịt cá bở rợt, lượng mỡ nhiều, ăn không thơm, ngon bằng cá xát thiên nhiên…”.

Mong rằng, Ban Quản lý các chợ thường xuyên nhắc nhở những bạn hàng mua bán trung thực để giữ chữ tín và để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

>> Theo kinh nghiệm của người chuyên đi chợ, để nhận biết cá lóc, cá rô, cá trê, cá xát thiên nhiên thì người mua cần quan sát kỹ. Nếu cá lóc hoặc cá rô đồng thì có kích cỡ nhỏ, mình thon, màu hơi đen, khi lựa, cá nhảy rất mạnh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người dân nuôi cá lóc, cá rô quá tháng mà không lớn (gọi là cá chai) thoạt nhìn hao hao như cá đồng nên người đi chợ cần quan sát kỹ mới phát hiện. Còn cá xát sông thì có màu trắng, bụng thon ít mỡ, lưng không có sọc như cá sát nuôi.

Bài, ảnh: Lưu Mỹ

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!