T2, 06/07/2020 02:08

Châu Âu: Thị trường thủy sản chuyển biến tích cực nhờ lễ Phục sinh

Chưa có đánh giá về bài viết

Dữ liệu thương mại tuần 14 và 15 thay đổi tích cực do rơi vào đúng thời điểm diễn ra lễ Phục sinh. Tại những nước cung cấp thủy sản, nguồn cung thay đổi liên tục tùy vào độ dài của ngày lễ và loại hàng hóa. Lễ Phục sinh hàng năm thường diễn ra trong 1 tuần, kéo dài bao lâu tùy thuộc mỗi quốc gia.

Tiêu thụ thấp nhưng giá bắt đầu phục hồi

Trong tuần 15, giá nhiều loại cá đáy và cá thân bẹt bắt đầu tăng nhẹ vào ngày lễ Phục sinh. Tuy nhiên, đáng lưu ý là khối lượng hàng bán ra trong tuần này khá thấp, và không phải loại cá nào cũng tăng giá. Thậm chí, giá của một số mặt hàng vẫn giảm mạnh.

Tại Tây Ban Nha, vào cuối tuần 15, báo cáo của Cepesca và Fedepesca thống kê hơn 50% nghề cá và gần 100% kênh phân phối vẫn hoạt động. Giá thủy, hải sản vào đầu kỳ lễ còn biến động nhưng cũng đang có dấu hiệu phục hồi.

Tại Pháp, hoạt động khai thác thủy sản và khối lượng cập cảng vẫn thấp, nhưng một số chợ đấu giá quy mô nhỏ đã hoạt động trở lại dù bị hạn chế. Dữ liệu FranceAgriMer về doanh số đấu giá hàng tuần (không gồm Địa Trung Hải) cho thấy, so với tuần 14, khối lượng cá bán ra vẫn ổn định (tăng 2%, chủ yếu do khối lượng bán ra của sản phẩm sò điệp tăng mạnh) và giá trung bình cũng tăng nhẹ 9%. Xu hướng tăng giá nhiều hay ít tùy thuộc từng nhóm mặt hàng.

Tại 5 trung tâm đấu giá thủy sản ở Đan Mạch (Hanstholm, Hirtshals, Strandby, Grenaa và Skagen), khối lượng hàng hóa bán ra trung bình tăng so với 3 tuần trước. Giá cũng tăng nhẹ, tuy nhiên mức tăng khác nhau tùy từng mặt hàng.

 

Tiếp tục sản xuất nhưng bán hàng và thanh toán khó khăn

Theo hãng sản xuất thức ăn BioMar, các giải pháp thực hiện trên toàn châu Âu để giảm thiểu tác động của COVID-19 đã không gây ảnh hưởng tiêu cực lên sản xuất thức ăn và giao hàng từ cơ sở sản xuất của BioMar ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỹ.

Theo người nuôi cá chình tại Hà Lan, lượng hàng bán ra đã giảm gần 40% từ khi COVID-19 bùng phát. Thông thường, khoảng 50% cá chình được bán cho phân khúc nhà hàng, khách sạn và quán ăn. Do đó,thu nhập của nông dân giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến hoạt động thả nuôi vụ mới.

COVID-19 cũng tàn phá ngành công nghiệp nuôi cá chẽm và cá tráp tại Hy Lạp. Doanh số bán hàng giảm mạnh 40% từ khi COVID-19 bùng phát, trong khi đó các công ty cung cấp cá cho chuỗi dịch vụ ẩm thực bị sụt giảm doanh thu 60 – 90%.

 

Rủi ro thiếu hụt nguyên liệu thô

Các biện pháp khẩn cấp để phòng chống COVID-19 tại Ecuador có thể tác động đến nguồn cung các sản phẩm cá ngừ và toàn ngành công nghiệp chế biến đồ hộp cá ngừ của Tây Ban Nha, vốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chế biến từ Ecuador.

Lo sợ lây lan dịch bệnh, chính quyền địa phương tại vịnh Bristol, Alaska cũng đóng cửa nhiều ngư trường khai thác cá ngừ Pacific thương mại. Hậu quả, các hãng chế biến cá ngừ xông khói tại địa phương thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu chế biến chất lượng cao.

 

Giá thủy sản ổn định suốt tuần lễ Phục sinh

Mùa lễ Phục sinh đã đẩy nhu cầu và giá thủy sản cao hơn tại Italy. Trong tuần 15, giá các mặt hàng thủy sản tại chợ bán buôn ở Rome đã tăng cao hơn so tuần 14, đặc biệt là các mặt hàng ngao, sò và cá tráp nhưng giá cá cơm Tyrrhenian lại giảm mạnh. Tại Tây Ban Nha, ở chợ bán buôn Madrid, giá hầu hết các mặt hàng thủy hải sản ổn định, trừ giá cá tuyết hake và cá cơm anchovy giảm.

Tại chợ bán buôn Rungis của Pháp, giá thủy hải sản đã tăng cao hơn trong tuần 15, đặc biệt là cá tuyết cod, mực ống, cá tráp tự nhiên, cá Pollack, John Dory và cá bơn.

 

Những trải nghiệm mua hàng mới trong mùa dịch 

COVID-19 làm thay đổi cách thức mua bán hàng hóa của người tiêu dùng. Dịch vụ mua thủy hải sản trực tuyến và giao tại nhà tăng mạnh suốt thời gian bị phong tỏa. Lượng hàng thủy hải sản tươi sống bán qua kênh thương mại điện tử đã tăng 25%

Tại Tây Ban Nha, trong tuần 13, tiêu thụ cá và các loại thủy sản tại các kênh bán lẻ đã tăng 11,5% với cá tươi; 6,9% cá đông lạnh và 13,3% sản phẩm sơ chế so với tuần trước. Tuy nhiên, tổng tiêu thụ cá và hải sản giảm 4% so cùng kỳ năm ngoái.

 

Cầu thấp làm nhập khẩu giảm, logistics vẫn cản trở xuất khẩu

Một số sản phẩm thủy sản tươi sống bị ngừng nhập khẩu tại EU vào tháng 3 gồm cá tuyết hake Namibia và Chilê, cá bơn đen từ Iceland, sò điệp từ Mỹ, ngao Tunisia, vẹm xanh từ Na Uy và fillet cá rô sông Nile từ Uganda.

Trong khi đó, sản lượng và kim ngạch nhập khẩu của các nước ngoài EU trong tuần 14 vẫn tiếp tục giảm. So với tuần 13, sản lượng nhập khẩu đã giảm 14% và kim ngạch giảm 8%. Khối lượng các sản phẩm tươi (chủ yếu là các hồi và tuyết cod) được nhập khẩu trong 4 tuần trước thấp hơn 11% so cùng kỳ 2019.

Nhập khẩu các sản phẩm đông lạnh (chủ yếu là cá Pollock Alaska) đã tăng 20% giữa tuần 11 và tuần 14 so với cùng kỳ 2019. Trong khi nhập khẩu sản phẩm này có xu hướng giảm vào năm ngoái, thì trong năm nay nhập khẩu lại tăng chạm đỉnh vào tuần 13 và sang các tuần sau đó mới giảm dần.

Nhập khẩu các sản phẩm đã chế biến hoặc sơ chế (chủ yếu là cá ngừ sọc dưa) trong 4 tuần trước thấp hơn 12% so cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu mặt hàng này tăng cao trong năm 2019 thì đến tuần 11- tuần 14 của năm nay lại giảm 30%.

Cá hồi: sau 3 tuần giảm liên tiếp, trị giá nhập khẩu đã tăng trong tuần 14 lên 4%, do lượng nhập khẩu cá hồi từ Na Uy tăng 9%. Giá nhập khẩu theo tuần tiếp tục giảm, từ 5,68 còn 5,35 EUR/kg (giảm 6%).

Cá tuyết cod: trị giá và khối lượng nhập khẩu trong tuần 14 tăng lần lượt 20% và 26% so cùng kỳ năm ngoái, nhờ lượng nhập khẩu từ Na Uy tăng 38% và từ Nga tăng 58%. Giá theo tuần đã giảm 4%, mức thấp nhất từ tuần 7 năm 2020.

Cá ngừ sọc dưa: tiếp tục xu hướng sụt giảm nhập khẩu tới 30% khối lượng và 18% giá trị trong tuần 14 – mức thấp kỷ lục từ đầu năm. Giá nhập khẩu theo tuần tăng từ 3,06 lên 3,57 EUR/kg (17%).

Pollock Alaska: So với tuần trước 14, khối lượng và giá trị nhập khẩu đã giảm mạnh lần lượt 58% và 60%; giá giảm từ 2,98 xuống 2,84 EUR/kg, giảm 5%.

Tôm nước ấm:nhập khẩu của các nước ngoài EU đã giảm 19% về khối lượng và 17% giá trị.

Nhập khẩu cá tráp và cá chẽm tươi nguyên con của EU từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm rất mạnh. Suốt tháng 3, nhập khẩu mặt hàng này giảm hơn 50% so cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vẫn tương đối ổn định trong tuần 13 và 14 ở mức 4 EUR/kg. Nhập khẩu tôm hùm tươi/sống của EU từ Mỹ gần như dừng hẳn từ tuần 12 do nhà hàng đóng cửa và logistics bị hạn chế.

Tuấn Minh

Fisnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!