T2, 06/07/2020 10:46

“Chợ” trên sóng

Chưa có đánh giá về bài viết

Lâu nay các vùng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hình thành nhiều khu “chợ” nổi trên sóng để mua bán hải sản và cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ nghề biển. Chợ nơi trập trùng sóng nước quá lạ lẫm với những người ở trên bờ nhưng đã là điều thân thuộc với ngư dân “ăn sóng nói gió”.

Gần bờ, xa nhà

Cuối năm, cũng là thời điểm vụ cá nam bắt đầu. Các phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh lại đạp sóng ra khơi, khởi đầu mùa vụ đánh bắt mới. Sau những ngày dài nghỉ đông, đây cũng là lúc nghề rổi cá trở lại và tạo nên những phiên “chợ” nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi lên tàu rổi của anh Trần Duy Thiện (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam) với lời dặn của chủ tàu rằng mùa này thỉnh thoảng biển vẫn nổi sóng bất thường, phải là người mạnh khỏe và quen với sóng nước thì mới “không cho cá ăn chè”. Thế nhưng, không như tưởng tượng của tôi, biển đầu mùa chỉ có những con sóng mềm mại vỗ vào mạn tàu…

Ra khỏi cửa biển An Hòa (Núi Thành), các phương tiện rổi cá tập trung neo đậu sửa soạn bữa tối, chờ cho “tiệc” ánh sáng trên biển bắt đầu và nghe ngóng về địa điểm họp chợ của ngư dân. Tiếng máy bộ đàm cũng bắt đầu nhộn nhịp, đu đưa cùng sóng biển. Anh Nguyễn Văn Kha, một người làm nghề rổi cá quê xã Tam Hòa (Núi Thành) thư thả bên mạn tàu với giàn ống câu giăng dưới mặt nước xanh thẫm. Anh tâm sự, nghề rổi cá chỉ được rảnh rang vào những phút này, phải tranh thủ câu kéo để giải trí và kiếm vài đồng hút thuốc. Một lúc nữa thôi, các phương tiện phải tứ tán trên biển và rong ruổi qua những phiên chợ bập bềnh. “Có hôm vừa chạy vừa ăn tối vì theo con cá nổi, rồi đong đếm, ướp cá, thức trắng cả đêm với mình mẩy ướt như chuột lột… Làm biển thì không có nghề nào được nhẹ nhàng, được cái chừ cũng quen rồi. Người ta nói “phi thương bất phú”, buôn bán trên biển có thể cũng “phú” nhưng thêm một điều nữa là luôn bất… ổn  – anh Kha nói.     Với hàng chục năm theo nghề rổi cá, anh Trần Duy Thiện đúc kết rằng nghề này gần bờ mà xa nhà. Ngư trường hoạt động của anh chủ yếu là tuyến bờ và lộng, bám theo các nghề mành đèn, lưới vây, giã cào, chụp mực…, nhưng chuyện vào bờ và về nhà thì luôn bất thường. Có hôm ngư dân khai thác hiệu quả, phải vội vã vào bờ bán cá trong đêm, rồi tất tả ra biển; cũng có lúc chạy rong ruổi trên biển suốt đêm chẳng mua được nhúm cá nào, đành neo đậu lại, chờ phiên chợ khác. Cũng có nhiều bận chạy theo những ngư trường dồi dào hải sản, vào tận vùng biển Quảng Ngãi, ra Cù Lao Chàm, Đà Nẵng mua bán, trú đậu. Anh Thiện tâm sự: “Có đợt đi cả tháng mới về nhà. Nhiều lần vùng biển mình vắng quá, đành chạy theo nghề đang trúng ở Bình Minh, Hội An hay Quảng Ngãi. Mình vào bờ bán cá nhưng không thể bỏ tàu ở lại chạy đường bộ về thăm con. Gần bờ mà xa nhà là vậy…”.

Sau mỗi mẻ lưới, cá được bán ngay cho tàu rổi.  Ảnh: MINH ĐỨC

Sau mỗi mẻ lưới, cá được bán ngay cho tàu rổi. Ảnh: Minh Đức


“Tiền trao… cá múc”

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngoài làng rổi nổi tiếng Tam Phú (Tam Kỳ) còn có nhiều đội tàu hậu cần của các địa phương ven biển hoạt động. Tàu rổi phục vụ nhu cầu mua bán trên biển ngày một tăng cao khi nhiều phương tiện khai thác hải sản tăng thời gian bám biển để giảm chi phí sản xuất, khai thác kịp thời nguồn lợi và đảm bảo chất lượng hải sản. Tàu rỗi cá phát triển rầm rộ và cũng cạnh tranh nhau mua bán. Nhiều người làm nghề rổi cá tiết lộ, buôn bán trên biển cần phải nắm bắt nhanh nhạy thông tin về ngư trường, thị trường, và tất nhiên phải kinh qua nghề biển để biết được sóng gió thế nào, vùng nào có thể khai thác được loại cá mực gì để có thể “ăn hàng” được… Để thuận mua vừa bán, ngư dân và rổi cá phải tuân theo “luật” riêng. Ví dụ tàu rổi nào cập vào phương tiện của ngư dân trước, làm dấu xí phần thì được quyền ra giá mua bán, nếu bất thành mới đến lượt tàu rổi khác.

Chúng tôi tiếp cận một phương tiện mành mùng đang thu lưới, tại đây cũng đang có nhiều tàu rổi cá cập mạn. Tiếng nói cười, ra giá, hỏi han xen trong tiếng máy ì ầm và sóng nước vỗ rào rạt… làm nên không khí rất riêng của phiên chợ trên sóng. Nhìn bóng cá quẫy đạp sóng sánh, anh Thiện cho biết mẻ lưới này sẽ thu được hàng tấn cá, ngư dân cần bán gấp để tranh thủ giăng mẻ khác. Vì vậy, “chợ” trên sóng lâu nay đã hình thành một kiểu mua bán lạ đời là mua khi hải sản còn… ở dưới nước. Sau khi kéo lưới gom cá lại, ngư dân gọi rổi cá đến để “cáp” (đoán) khối lượng và ra giá “bán xô lô” toàn bộ cá thu được cả mẻ lưới. Kiểu mua bán này giúp ngư dân đỡ tốn thời gian đưa cá lên tàu và giữ cho con cá được tươi nguyên do không phải xáo qua xáo lại nhiều lần. Để thực hiện kiểu mua bán này, rổi cá phải lặn xuống nước, xem thử lượng cá thế nào rồi ra giá. “Mua kiểu này cũng có cái lợi nhưng cũng dễ “chết người”. Khi vừa thu lưới, ngư dân kêu rất nhiều rổi cá tụ lại, ông nào đoán sai là lỗ vốn. Có hôm trúng mánh, tưởng đâu cá ít, ai ngờ khi múc lên thì chở không hết…” – anh Thiện chia sẻ.

Minh Đức

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!