Chủ động ứng phó thời tiết

Chưa có đánh giá về bài viết

Khi nhiệt độ tăng cao, các yếu tố môi trường thay đổi, tôm nuôi chịu nhiều tác động, sức đề kháng giảm, dịch bệnh tăng. Một số chuyên gia hiến kế khắc phục tình trạng này.

ÔNg Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Cần thực hiện nghiêm hướng dẫn

Kiểm tra tại một số tỉnh, hầu như 100% cơ sở nuôi nhỏ lẻ không có ao lắng hoặc không xử lý ao đầm nuôi, nguồn nước trước khi thả giống hoặc xả thải nước từ ao bệnh ra môi trường; không báo cáo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh và thực hiện nghiêm các giải pháp: rà soát, chấn chỉnh công tác thống kê, chẩn đoán xét nghiệm, tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo về diện tích dịch bệnh thủy sản; xử lý tiêu độc, khử trùng ao nuôi bị bệnh và chỉ thả nuôi khi cơ quan quản lý công bố hết dịch; tăng sức đề kháng bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất, vi lượng…

 

Tiến sĩ Bùi Quang Tề: Chú trọng khâu chăm sóc, quản lý môi trường

Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, từ đó có tác động kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi, phù hợp sự phát triển tôm nuôi. Nhiệt độ thích hợp 20 – 300C. Duy trì mực nước trong ao 1,2 – 1,5 m. Khi nước bị rò rỉ và bốc hơi làm mực nước giảm hoặc khi nước trong ao có màu đậm, cần cấp nước từ từ, 20 – 30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, qua ao lắng có xử lý. Khi lấy thêm nước cần kết hợp sử dụng bột đá (CaCO3) 10 – 15 kg/1.000 m3 nước, bón khi trời tối (21 – 22 giờ) có thể lặp lại 2 – 3 lần cho đến khi các yếu tố môi trường trong vuông nuôi trở lại ngưỡng thích hợp. Tăng sức đề kháng bằng cách sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng cao, bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa (Zymetin) theo hướng dẫn. Nên áp dụng biện pháp “4 định” (chất lượng, số lượng, thời gian, địa điểm). Phải vớt bỏ thức ăn thừa hằng ngày.

 

Ông Yuttana Thongphur – Phó Tổng giám đốc Cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam: Tăng cường chăm sóc tôm nuôi hiệu quả

Cần tuân thủ nghiệm ngặt hệ thống an toàn sinh học tại ao nuôi, không sử dụng kháng sinh, sử dụng men vi sinh trong suốt quá trình nuôi, điều chỉnh kết cấu ao nuôi, xây dựng ao lắng, ao xử lý riêng biệt sao cho tỷ lệ ao lắng/ao nuôi là 6/4 để đảm bảo nguồn nước cung cấp, điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp để tôm giảm căng thẳng và thả tôm cỡ lớn. Tôm giống sau khi mua về cần được ương trong nhà làm bằng lưới lan, lót bạt nilon, hoặc xây tường xung quanh theo mô hình CPF-Green House (nhà ương tôm) để quản lý tôm giống trong 25 – 30 ngày đầu tiên nhằm giảm được sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ giúp tôm có sức khỏe tốt, tỷ lệ sống cao. Sau đó, tôm sẽ được sang qua hệ thống ao nuôi tôm thịt theo mô hình CPF-Turbo Program với hệ thống ao xử lý, lưới ngăn địch hại, hệ thống vệ sinh, khử trùng, kết hợp với việc chăm sóc và quản lý môi trường ao nuôi. 

Vân Anh (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!