ĐBSCL: Vẫn kiểm soát tốt hạn – mặn trong sản xuất

Chưa có đánh giá về bài viết

Mùa khô năm nay ở ĐBSCL dự kiến hạn và mặn không thua năm lịch sử 2016, tuy nhiên nuôi trồng thủy sản đang ứng phó khá bình tĩnh.

Thực tế, giữa tháng 2/2020 đã có thể nhận định, hạn mặn năm nay sẽ hà khắc hơn năm 2015 – 2016. Các yếu tố chính là lượng mưa giảm 55 – 60% và mùa mưa kết thúc sớm, cả ở thượng nguồn sông Mekong lẫn ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đã qua nửa mùa hạn nhưng năm nay so với năm 2015 – 2016, thiệt hại giảm thấy rõ. Năm 2015 – 2016 có 500.000 hộ thiếu nước sinh hoạt và diện tích lúa bị thiệt hại 405.000 ha, còn năm nay đến hiện tại có 79.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và diện tích lúa bị thiệt hại 23.800 ha (trên 10.000 ha vụ mùa và 13.000 ha đông xuân, trong đó thiệt hại trên 70% là hơn 1.000 ha lúa đông xuân). Năm nay, diện tích tôm – lúa bị ảnh hưởng chưa đáng kể, còn diện tích nuôi trồng thủy sản khác vẫn khá bình thường, khác với năm 2015 – 2016 nhiều nơi thiệt hại nặng nề.

Cống Bông Bót đóng cửa kiểm soát mặn – ngọt từ đầu tháng 1/2020

Tại tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu cho biết: “Rút kinh nghiệm năm 2015 -2016, tỉnh chủ động quan trắc môi trường, vận hành các cống thủy lợi kiểm soát mặn – ngọt. Tính đến ngày 6/2, đã thu hoạch lúa 81.000 ha/197.000 ha xuống giống, năng suất bình quân đạt 6,27 tấn/ha, không bị ảnh hưởng. Về nuôi trồng thủy sản, bà con thận trọng nên mới thả nuôi 373/73.700 ha; gồm artemia 305 ha, cá ao mương 19 ha, tôm nước lợ 49 ha và chưa bị thiệt hại”.

Ở tỉnh Bạc Liêu, ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra tình hình ứng phó với hạn mặn, chứng kiến hoạt động nuôi trồng thủy sản đang ổn định. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết: “Độ mặn trên sông rạch đã khá cao nhưng nuôi trồng thủy sản ở phía nam Quốc lộ 1A vẫn diễn ra bình thường. Còn khu vực phía bắc Quốc lộ 1A do nước mặn xâm nhập từ hướng sông Cái Lớn ở tỉnh Kiên Giang có ảnh hưởng nhưng chưa gây thiệt hại”.

Tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang trước đây có vùng đất giáp ranh thường xảy ra tình trạng tranh chấp mặn – ngọt, vào mùa hạn nhiều lúc bên này đón mặn để nuôi trồng thủy sản thì bên kia trồng lúa và cây ăn quả phản đối. Thậm chí, có khi giữ độ mặn phù hợp với nuôi trồng thủy sản ở khu vực này thì khu vực nuôi trồng thủy sản lân cận cũng bị ảnh hưởng vì độ mặn không phù hợp. Tình trạng tranh chấp bất ổn hầu như không còn trong năm nay khi có cống âu thuyền Ninh Quới điều tiết ổn định mặn – ngọt, dù mới vận hành.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!