Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 10/2015 (P. 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Cách điều chỉnh lượng thức ăn thông qua sàng ăn như thế nào là phù hợp? Đào Văn Tấn (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú yên)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Tùy từng giai đoạn nuôi mà lượng thức ăn cho vào sàng cũng thay đổi, khi tôm được 21 – 60 ngày tuổi, lượng thức ăn cho vào sàng 10 g/kg thức ăn, sau đó kiểm tra sàng sau khoảng 2 giờ. Tôm giai đoạn 61 – 90 ngày, lượng thức ăn cho vào sàng 15 g/kg, kiểm tra sàng sau 1,5 giờ. Giai đoạn tôm trên 90 ngày tuổi, lượng thức ăn cho vào sàng 20 g/kg, kiểm tra lại sàng sau 1 giờ. Nếu tôm ăn hết thức ăn trong sàng, tăng 5% thức ăn cho lần sau. Nếu thức ăn dư khoảng 10%, giữ nguyên thức ăn cho lần sau. Thức ăn dư khoảng 11 – 25%, giảm 10% thức ăn cho lần sau; dư khoảng 26 – 50%, giảm 30% thức ăn lần sau; nhiều hơn 50%, ngưng cho ăn lần sau. Ngoài điều chỉnh lượng thức ăn thông qua sàng ăn cần chú ý khi thời tiết thay đổi cần giảm lượng thức ăn.

 

Hỏi: Tôm nuôi 36 ngày có hiện tượng gan vàng, nhão, tôm chậm lớn, đường ruột ít thức ăn. Cho hỏi nguyên nhân và cách xử lý? Dương Thị Huệ (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre)

 Trả lời:

Theo mô tả, tôm có thể bị bệnh hoại tử gan tụy cấp. Bệnh có thể xảy ra trong suốt quá trình nuôi nhưng tập trung nhiều ở giai đoạn tôm còn nhỏ đến khi được 45 ngày. Phòng bệnh bằng cách đảm bảo tôm và môi trường, nguồn nước, dụng cụ, thiết bị trong trại giống phải sạch khuẩn. Không thả nuôi tôm mật độ quá cao. Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng và định kỳ bổ sung Vitamin C, A, E, và Beta-glucan. Quản lý môi trường ao nuôi tốt và ổn định bằng sản phẩm men vi sinh. Khi xác định đúng tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp thì cần dừng cho ăn, xử lý môi trường bằng các chất khử trùng với liều lượng theo hướng dẫn. Sau 3 – 5 ngày nếu thấy tôm không chết nữa thì sử dụng các chế phẩm vi sinh gây màu nước và tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Sau 5 – 7 ngày có thể cho tôm ăn  với lượng thức ăn phù hợp với số tôm còn sống và chia làm 4 – 6 bữa một ngày.

 

Hỏi: Tôm sú ở giai đoạn 65 ngày, bị phát sáng, chết rải rác. Cho hỏi phương pháp điều trị? Trần Văn Đình (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh)

Trả lời:

Việc điều trị bệnh phát sáng chỉ có kết quả khi người nuôi kiểm tra phát hiện sớm tôm nhiễm bệnh và xử lý thuốc kịp thời, đúng liều lượng. Khi tôm có dấu hiệu bị bệnh, có thể sử dụng Vime – Protex: 1 lít/1.500 – 2.000 m3 nước. Đồng thời dùng Vimenro: 500 g thuốc trộn với 70 – 75 kg thức ăn đối với tôm nhỏ hay 150 – 175 kg thức ăn đối với tôm lớn, dùng kết hợp với Vime Glucan for shrimp để tăng hiệu quả sử dụng thuốc và cho tôm ăn liên tục 6 – 8 ngày.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!