Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 12 (P. 3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôm thẻ chân trắng thả được 15 ngày, trong ao có xuất hiện vài con bị cong thân, vào khoảng 11h trưa phát hiện khoảng 5 – 6 con bị cong thân. Xin hỏi là nên dùng thuốc gì? (Hoàng Khang – huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo mô tả thì tôm nhà bạn bị cong và đục thân, đây là hiện tượng thường gặp trong ao tôm vào mùa nắng nóng. Nguyên nhân có thể là do bạn kéo sàng ăn kiểm tra tôm vào thời điểm trời nắng nóng. Bởi khi kéo sàng ăn lên mặt nước, tôm trong sàng sẽ búng mạnh, gặp thời tiết nắng nóng tôm sẽ bị co cơ lại (cong thân), nếu nhẹ khi thả xuống nước tôm sẽ phục hồi lại bình thường, nếu nặng tôm sẽ cong thân vĩnh viễn. Hiện tượng này cũng thường gặp khi bật, tắt quạt nước đột ngột về đêm khi thời tiết nóng, làm tôm giật mình búng khỏi mặt nước. Đây không phải là bệnh nên bạn không nên dùng thuốc mà chỉ cần khắc phục các hiện tượng trên, như không nên chài vó kiểm tra tôm và đáy ao vào buổi trưa nắng nóng, hạn chế bật tắt quạt nhiều lần, luôn duy trì 1 quạt để tôm không giật mình, bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tôm tăng sức đề kháng.

 

Hỏi: Cá lóc nuôi bị phềnh bao tử, xin cho biết cách chữa trị? (Danh Quanh Ni – xã Định Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Cá  lóc bị phềnh bao tử thường có 2 nguyên nhân:

– Cá ăn phải loại thức ăn ôi thiu hoặc mốc, không tiêu hóa được, bụng cá chướng to và có thể chết.

– Cá bị bệnh xuất huyết đường ruột, bệnh này do vi khuẩn gây ra, khi cá ăn vào không tiêu hóa được bụng chướng to, mất thăng bằng. Cá bị bệnh này có thể chết 30 – 80% lượng cá trong ao.

Do vậy, việc đầu tiên là bạn dừng cho cá ăn ngay lập tức, kiểm tra lại thức ăn, nếu bị ẩm mốc hay ôi thiu thì nên đổi thức ăn khác.

Nếu thức ăn vẫn tốt thì mổ kiểm tra nội tạng của cá, cá bị nhiễm vi khuẩn thường gan mật sưng to, xung huyết… Trường hợp này bạn vẫn phải ngừng cho ăn, thay 30 – 50% nước, sau đó dùng hóa chất (BKC, Vicato, Chlorine, Iodine…) sát khuẩn nước và dùng chế phẩm sinh học bón xuống ao.

Sử dụng thuốc kháng sinh đặc trị Amoxiline hoặc Antibio trộn vào thức ăn (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì ), cho cá ăn 5 – 7 ngày với lượng thức ăn bằng 30 – 40% so với thức ăn cho ăn hàng ngày.

 

Hỏi: Hóa chất làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước là gì? Tác dụng và ảnh hưởng với môi trường thủy sản và con người. Có thể dùng cho nước nuôi cá, tôm, làm giống thủy sản lâu dài được không? (Hoàng Văn Tự – huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Hóa chất làm tăng hàm lượng ôxy trong nước gồm có 2 loại, đó là Hydrogen peroxide (H2O2 – ôxy già) và Sodium carbonate peroxyhydrate 2Na2CO3·3H2O2  (PCS). Hai loại hóa chất này được sử dụng để cung cấp ôxy hòa tan cho ao nuôi tôm trong các trường hợp khẩn cấp khi hệ thống sục khí, quạt khí của ao nuôi bị trục trặc hoặc không cung cấp đủ hàm lượng ôxy cho tôm nuôi.

H2O2 là chất ôxy hóa mạnh, thường ở dạng dung dịch, dễ bay hơi, không bền. Khi H2O2 hòa tan trong nước ở tỷ lệ 1:1 (một H2Ovà một nước) sẽ tạo thành axít yếu và mất tác dụng sau 5 giờ. Do vậy, tác dụng của H2O2 trong nước phụ thuộc rất lớn vào quá trình bảo quản.

PCS là hợp chất không mùi, không bền, tan nhanh trong nước, có tác dụng làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan và độ kiềm trong nước. Do đó, PCS được xem là một loại hóa chất thân thiện với môi trường. PCS khi bón vào nước thì sản sinh ra lượng ôxy hòa tan tương đương với H2O2 dung dịch ở nồng độ 27,5%.

Hydrogen peroxide và Sodium carbonate peroxyhydrate là những hợp chất đa dụng trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng. Khi được sử dụng đúng liều lượng, các hợp chất peroxide sẽ tan vào nước, không ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe tôm nuôi. Do vậy, bạn có thể sử dụng 2 loại hóa chất này cho nước nuôi tôm, cá thương phẩm và giống lâu dài được, tuy nhiên, nên sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. 

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!