Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 3/2015 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Mô hình nuôi ghép tôm với cá rô phi được đánh giá rất tốt. Cho tôi hỏi tác dụng của cá rô phi trong ao tôm, các hình thức và mật độ nuôi thích hợp? – Lê Minh Quận (Bạc Liêu)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời

Mô hình nuôi ghép tôm với cá rô phi đã khẳng định được hiệu quả rất rõ rệt, cải thiện môi trường ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh, giảm sự phát triển của Vibrio trong nước, năng suất tôm nuôi tăng đáng kể.

Cá rô phi là loài dễ nuôi, ăn chủ yếu là thực vật, có khả năng kiểm soát các loại tảo sợi, rong cỏ, động vật nhỏ, mùn bã hữu cơ và là loài ăn lọc rất hiệu quả. Cá rô phi được các nhà khoa học nhận định là máy lọc nước sinh học cho ao nuôi tôm, tạo môi trường nuôi ổn định, hạn chế tối đa sự phát sinh mầm bệnh. Các hình thức nuôi ghép cá rô phi với tôm là nuôi ghép trực tiếp, nuôi cá rô phi trong đăng quầng, ao lắng lấy nước và hệ thống nuôi tôm.

Mật độ cá rô phi khi nuôi ghép tôm 1 – 2 con/10 m2. Nuôi cá rô phi trong đăng quầng với mật độ 10 con/m2, diện tích đăng quầng khoảng 2% diện tích ao nuôi. Cá rô phi nuôi trong ao lắng có mật độ 4 – 5 con/m2. Không cho cá ăn trong suốt thời gian nuôi.

 

Hỏi: Tôm sú mới thả trong ao được 20 ngày, tôm có hiện tượng bơi thành đàn vòng quanh bờ. Hỏi tôm bị bệnh gì, nguyên nhân và cách phòng trị? – Trịnh Hoàng Vũ (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau)

Trả lời

Tôm bơi thành đàn quanh bờ là do hiện tượng tôm lội, thường xuyên xảy ra trong ao nuôi tôm. Tuy hiện tượng này không gây chết nhưng làm tôm giảm ăn, chậm lớn, giảm sức đề kháng. Những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là do thay đổi nhiệt độ môi trường, sự phân hủy các hợp chất hữu cơ xảy ra nhanh, sinh khí độc hại, trong ao thiếu ôxy, sự thay đổi đột ngột của pH nước.

Khắc phục, gia tăng hàm lượng ôxy hòa tan, chú ý các chỉ tiêu của nước, duy trì độ trong 20 – 30 cm, nếu màu nước quá đậm thì tiến hành thay nước cho ao. Ổn định các yếu tố môi trường về ngưỡng thích hợp. Nếu những ao có nhiều lượng chất thải hữu cơ, khí độc không thể thoát ra ngoài thì cần khắc phục bằng cách xáo trộn nước, bổ sung chế phẩm sinh học để giảm lượng khí độc tích tụ ở đáy ao.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!