Luật Thủy sản (sửa đổi): Cần tháo bỏ những bất cập

Chưa có đánh giá về bài viết

Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) gồm 9 Chương, 110 Điều quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy sản; trách nhiệm và quản lý nhà nước về thủy sản. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh những điều khoản của Luật, mục tiêu để Luật đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.

Ngư dân khai thác thủy sản biển xa   Ảnh: Xuân Trường

Ngư dân khai thác thủy sản biển xa Ảnh: Xuân Trường

Phát triển ngành thủy sản

Sau 13 năm thực hiện, Luật Thủy sản năm 2003 đã góp phần tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho các hoạt động thủy sản, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về thủy sản, góp phần khai thác tiềm năng trong hoạt động thủy sản và đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) và tình hình thực tiễn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Đối tượng áp dụng của Luật là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và các tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam. 

Còn nhiều bất cập

Tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Thủy sản” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều điểm bất cập về Dự thảo Luật đã được nêu ra, trong đó nổi bật là việc các điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch, chồng chéo gây phiền hà, tốn kém chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện, vẫn có quá nhiều điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch và rõ ràng trong Dự thảo Luật Thủy sản. Điển hình như việc quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị phải phù hợp, vậy căn cứ nào để xác định phù hợp hay không? Quy định như vậy sẽ nảy sinh vương mắc trong quá trình thực thi bởi cơ quan nhà nước và doanh nghiệp không có cơ sở khách quan để xác định; từ đó dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, gây khó cho doanh nghiệp, ngư dân…

Dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi bên cạnh việc xã hội hóa được vai trò của các Hiệp hội và Hội; nhưng, trong Luật cũng cần chú trọng đến các quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU). Bởi, Việt Nam đang nằm trong diện sắp chịu thẻ vàng từ EU (một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu) nếu không đảm bảo về IUU với thời hạn cuối cùng là 30/9, thị trường Mỹ cũng sẽ áp dụng luật IUU từ 1/1/2018. Do đó, các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị giữ lại tại cảng EU chờ kiểm tra gây tốn kém rất nhiều cho doanh nghiệp. 

Còn về vấn đề Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là cần thiết; Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện cũng cần đánh giá hoạt động của các quỹ như thế nào, nhất là về nguồn thu. Thực tế, nhiều địa phương thành lập rồi để đó, không có kinh phí hoạt động. Mặt khác, nếu quỹ này chỉ do cơ quan nhà nước quản lý thì rất khó trong việc kiểm soát hoạt động, nên cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội và người dân. Như chia sẻ của ông Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Quỹ  bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nên để doanh nghiệp, hiệp hội tự thành lập, vận hành. Bởi, doanh nghiệp sẽ hiểu cần bổ sung nguồn lợi gì, như thế nào cho phù hợp.

Về điều kiện đầu tư kinh doanh thủy sản, đại diện phía doanh nghiệp cho rằng, nội dung này cần được đề cập rõ ràng; do nuôi trồng thủy sản rất quan trọng, nếu không quy định rõ nhiều doanh nghiệp làm ăn không chân chính có thể đầu tư kinh doanh, đưa chế phẩm vào thị trường, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Giải đáp một số thắc mắc, đại diện Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cho hay, trong Luật khi quy định về các điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ không thể đưa ra được các điều kiện cụ thể về diện tích, cơ sở vật chất. Luật chỉ đưa ra điều kiện cơ bản cần phải có, còn chi tiết như thế nào chỉ có thể nằm trong văn bản cấp Chính phủ. Một vấn đề khác, không thể chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm được bởi trên thực tế có nhiều doanh nghiệp “ma”, nếu để sản phẩm kém chất lượng đến với người tiêu dùng thì không thể lấy lại được nữa. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ đưa ra giấy phép khi doanh nghiệp chứng nhận đủ điều kiện, sau đó kiểm soát về điều kiện kinh doanh như ban đầu và duy trì. Còn nội dung liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác, nhiều ý kiến cho rằng, để được khai thác thủy sản, cần qua nhiều bước như vậy thì có quá nhiều hay không? Tuy nhiên, phải có giấy phép cuối cùng, doanh nghiệp cá nhân mới được đi khai thác, việc đăng ký chủ sở hữu tàu cá chỉ là về tài sản còn đăng kiểm là để bảo đảm an toàn.

>> Dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi có 9 chương 110 điều, về cơ bản giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản năm 2003, nhưng có giảm 1 chương và tăng 48 điều. Bố cục của dự thảo Luật khá rõ ràng.

Bảo Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!