Một năm tôm thắng lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

Giữa tháng 1/2015, một cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu tôm năm 2014 đạt mức kỷ lục 4,1 tỷ USD. Theo Tổng cục Hải quan, từ 1/1 đến 15/12/2014, xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ 795 triệu USD, tăng 29,1% so cùng kỳ năm 2013.

Theo Tổng cục Hải quan, tôm nước ta xuất khẩu vào các thị trường đều tăng so với năm 2013. Tăng cao nhất vào thị trường EU với 69,6%; Canada 68,2%; Hàn Quốc 52,9%; Mỹ 30%; ASEAN 23,9%. Các thị trường chính nhập tôm Việt Nam là Mỹ (hơn 1 tỷ USD), Nhật (gần 712 triệu USD), EU (hơn 656 triệu USD), Trung Quốc và Hồng Kông (hơn 399 triệu USD), Hàn Quốc (308 triệu USD), Canada (gần 192 triệu USD) – số liệu đến 15/12/2014.

 

Nhìn rõ mình

Tỉnh nuôi tôm lớn nhất nước ta là Cà Mau, năm 2014 có 286.500 ha, năng suất bình quân 556 kg/ha. Trong đó, diện tích nuôi công nghiệp 8.200 ha, năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng 8,2 tấn/ha, tôm sú 5 tấn/ha; nuôi quảng canh cải tiến 60.200 ha, năng suất bình quân 570 kg/ha; còn lại là quảng canh truyền thống và tôm-lúa.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau cho biết, năm 2014 xuất khẩu hơn 91.000 tấn, kim ngạch hơn 1,235 tỉ USD. Nếu năm trước tôm sú chiếm 80% sản lượng xuất khẩu thì năm 2014 còn 47%, nhường vị trí đứng đầu cho tôm chân trắng.

Một xu hướng rõ nét ở năm 2014, các địa phương rất thận trọng với việc mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp. Khi người dân tự phát nuôi tôm chân trắng, nhiều địa phương tìm mọi cách hãm lại, như tỉnh Sóc Trăng còn ra chỉ thỉ không cấp điện cho nuôi tôm ngoài quy hoạch. Đó là kết quả một quá trình nhận thức, không còn theo phong trào mà đã có tính toán căn cơ. Nuôi tôm công nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế phải có cơ sở hạ tầng được đầu tư, không thể “nhờ trời”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Hồng Sa nhấn mạnh, muốn có tôm sạch phải quy hoạch để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng mối liên kết chuỗi theo chiều ngang và dọc. Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ Dương Quốc Xuân đồng quan điểm: Quy hoạch và quản lý quy hoạch để tập trung đầu tư cho sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Khi chưa thể đầu tư hạ tầng đồng bộ để nuôi tôm công nghiệp, các địa phương khuyến khích nuôi tôm giữ đa dạng sinh học.

Năm 2014, sản lượng tôm đạt 660.000 tấn – Ảnh: Thanh Ngân

 

Nuôi không lỗ

Nuôi tôm giữ đa dạng sinh học (còn gọi là đa canh), đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế cao; “nuôi tôm không lỗ” ra đời từ đó. Buổi trưa, một nhóm nông dân già trẻ tụ tập ở nhà ông Hồ Cảnh Sến, ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A (Hồng Dân, Bạc Liêu) cho biết, một gia đình lãi mấy trăm triệu đồng. Trưởng ấp Chủ Chọt, ông Nguyễn Văn Ra giới thiệu, họ nuôi tôm luân canh với trồng lúa. “Nuôi tôm trên ruộng lúa không lỗ, chỉ có lãi nhiều hay ít mà thôi, bởi chỉ tốn tiền mua giống mà không tốn tiền thức ăn, không chạy quạt nước nên không tốn tiền điện”, ông Ra nói. Ruộng được đào mương rộng 3 – 4 mét xung quanh để nuôi tôm, giữa ruộng trồng lúa. Mưa xuống, có nước ngọt là trồng lúa, để gần Tết thu hoạch; sau Tết nước mặn tràn lên thì mua tôm giống thả. Gốc rạ của cây lúa sinh ra nhiều phù du làm thức ăn cho tôm; sau vụ tôm thì phân tôm nuôi cây lúa. Hài hoà nên hạn chế dịch bệnh, canh tác tôm – lúa hầu như không xài thuốc trừ sâu. Vụ tôm sú còn thả thêm cua và cá giữa ruộng; vụ lúa thì thả tôm càng xanh và cá ở mương ven bờ.

Ở tỉnh Cà Mau, huyện Cái Nước diện tích nuôi tôm chiếm 11% cả tỉnh, người dân đang mê nuôi quảng canh cải tiến. Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, ông Trần Hoàng Đạo cho biết, xã hiện có hơn 1.100 ha nuôi quảng canh cải tiến. Đây là cách nuôi tự nhiên, không cần quay quạt sục khí, nhưng có cải tạo ao, xử lý nước, thả giống 5 – 7 con/m2, cho ăn dặm 1 lần/ngày. Thu hoạch một vụ 350 kg/ha trở lên là có lãi khá; hết vụ phơi ao để cắt mầm dịch bệnh.

Tại xã Phú Tân của huyện Phú Tân (Cà Mau), Phó chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Lớn cho biết, nuôi tôm quảng canh cải tiến chi phí thấp, ít rủi ro, đạt hiệu quả khá nên tăng nhanh. Năm 2014, xã có 1.252 hộ nuôi 1.635 ha, tăng hơn 2 lần so với năm 2013, năng suất bình quân 500 – 700 kg/ha.

 

Liên kết

Để có sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, con đường tất yếu là liên kết các thành phần trong chuỗi sản phẩm. Năm 2014, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được những mối liên kết bền chặt. Nổi bật là Tập đoàn Minh Phú ở tỉnh Cà Mau liên kết với Tập đoàn Grobest, nhà sản xuất thức ăn thủy sản hàng đầu châu Á, để thúc đẩy nuôi tôm sạch. Các vùng nuôi sử dụng thức ăn của Grobest và nuôi theo quy trình kỹ thuật của Grobest Việt Nam, Minh Phu Corp mua với giá cao hơn thị trường 2.000 – 5.000 đồng/kg.

Grobest là doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đã được Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) cấp chứng nhận BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất). Grobest Việt Nam có những sản phẩm đặc biệt như Vannamei Green, Grobest Green không chứa chất chống mốc Ethoxyquin. Khi nuôi tôm ở giai đoạn cuối, sử dụng các sản phẩm này cho tôm có thịt đảm bảo các yêu cầu chất lượng cao, ao tôm cũng sạch. Sản phẩm tôm chế biến của Minh Phú vì vậy đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tỉnh Bến Tre ở xa các nhà máy chế biến của Minh Phu Corp nhưng cũng đã có khoảng 1/3 trong tổng diện tích 30.000 ha nuôi tôm sử dụng thức ăn của Grobest. Những vùng nuôi này được Grobest cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ người nuôi tuân thủ quy trình không sử dụng chất cấm, chất kháng sinh, áp dụng quy trình Biofloc tiên tiến. Minh Phú mua tôm tại đây chở về nhà máy chế biến tại Hậu Giang, Cà Mau. Minh Phú đang là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm hàng đầu nước ta, năm 2014 đạt 720 triệu USD.

Sáu Nghệ - Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!