T2, 06/07/2020 09:55

Nông dân giữ rừng ngập mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nhóm đồng quản lý bảo vệ rừng ngập mặn ở xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được triển khai 3 năm nay, đã không chỉ giúp giữ rừng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người tham gia.

Vĩnh Hải có khoảng 3.500 ha diện tích rừng ngập mặn (RNM). Xã có 700 hộ dân, chủ yếu là đồng bào người Khmer thì 320 hộ tham gia vào nhóm đồng quản lý bảo vệ rừng ngập mặn do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng và Dự án GTZ (quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên) của Đức tài trợ.

 

Vào rừng phải có thẻ

320 hộ được chia làm 6 nhóm, hoạt động theo quy chế. Quy chế định rõ mức thưởng cho người có công và xử lý những vi phạm… do chính người dân tham gia nhóm tự thực hiện, kiểm tra và quản lý. Mỗi tháng 1 lần, các nhóm tổ chức họp để đưa ra quyết định khen thưởng, xử phạt cho các cá nhân. Các thành viên mỗi nhóm muốn vào rừng khai thác tài nguyên phải được sự đồng ý của tất cả mọi người. Họ được cấp thẻ để tiện trong việc quản lý khi ra vào rừng hằng ngày. Những thành viên của nhóm đồng quản lý 16 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ chính (màu xanh dương) và trẻ từ 7 tuổi đến dưới 16 tuổi được cấp thẻ phụ (màu xanh lá).

Anh Thạch Hà – thành viên nhóm 4 cho biết, nhà nào cũng có đất nuôi tôm nhưng do năng suất thấp nên mọi người lén lút vào rừng chặt cây, đánh bắt thủy hải sản theo kiểu tận diệt. Từ khi mô hình này ra đời, người dân đã ý thức giữ rừng để ngăn ngừa, chống sạt lở đê, xâm nhập mặn, giữ bùn. Ông Trịnh Hiệp – Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng kể, trước đây người dân bị cấm vào rừng nhưng nạn phá rừng vẫn diễn ra rất nghiêm trọng. Người dân khai thác thủy sản bằng các phương pháp tận diệt như xung điện, đánh mìn khiến nguồn lợi suy giảm. Tình trạng sạt lở, nước biển ăn sâu vào đất liền hàng chục mét, môi trường sinh thái đặc trưng của RNM bị thay đổi. Từ ngày mô hình đồng quản lý đi vào hoạt động, nạn phá rừng không còn diễn ra. Không chỉ bảo vệ, các nhóm đồng quản lý đã trồng thêm được 20ha rừng sú, vẹt.

 

Nông dân thu lợi

Tham gia mô hình đồng quản lý, người dân Vĩnh Hải không chỉ góp phần giữ rừng mà còn được thu lợi bền vững từ nguồn tài nguyên tự nhiên.

Những người có thẻ màu xanh lá (chủ yếu là học sinh) được phép thu lợi từ củi khô. Củi khô đem ra chợ bán được 10.000 đồng/bó, một buổi đi học, một buổi phụ giúp gia đình, các em cũng có gần 30.000 đồng.

Vào vụ thu hoạch, các thành viên có thẻ xanh dương được vào khai thác theo trật tự, không có cảnh tranh giành, cướp nghêu. Mỗi người có thể thu 300.000 – 400.000 đồng/ngày.

Nhờ giữ được rừng, bãi bồi Vĩnh Hãi được bồi lắng mở rộng nên sản lượng nghêu tự nhiên hằng năm đều tăng. Vào vụ thu hoạch, các thành viên chính có thẻ xanh dương được vào khai thác theo trật tự, không có cảnh tranh giành, cướp nghêu. Mỗi người có thể thu 300.000 – 400.000 đồng/ngày. Ngoài ra, các hộ còn nuôi thêm nghêu để tăng nguồn thu nhập.

Anh Thạch Hà cho biết mùa nào cũng có nguồn thủy sản để thu lợi. Hết mùa nghêu thì bắt cua giống, cá giống đem bán. Mỗi con cua giống hiện có giá khoảng 20.000 đồng, mỗi ngày cũng kiếm được hơn 150.000 đồng. “Khác với trước, bây giờ chúng tôi đánh bắt có chọn lọc để duy trì nguồn lợi lâu dài, có thế mới sống được”. Nhiều hồ tôm bỏ trống được các cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật nên nhiều gia đình đã mạnh dạn thả nuôi. Gia đình ông Thạch Biên có gần 2ha nuôi tôm hàng năm cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Ở Vĩnh Hải bây giờ, bên cạnh rừng ngập mặn, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang. Ông Trịnh Hiệp khẳng định, đây là mô hình hay phù hợp và cần được nhân rộng tại nhiều khu RNM tại ĐBSCL.

Đình Thức

Theo Dân Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!