Sắp có danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh, nhiều sản phẩm xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục. Mục tiêu của toàn ngành hiện nay là xác định các sản phẩm chủ lực với bộ tiêu chí thống nhất.

Tăng trưởng tốt

Xuất khẩu nông sản Việt hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 15 thế giới; có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm nông sản chủ lực trong đó có tôm và cá tra nhằm tạo điều kiện và lợi thế phát triển, mang lại giá trị kinh tế, lợi ích cho người dân.

Thời gian qua, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo 3 trục nhóm sản phẩm đang đi đúng hướng, đặc biệt là việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, đưa công nghệ cao vào sản xuất, nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm hàng cấp tỉnh… Kết quả của tái cơ cấu nông nghiệp được chứng minh qua tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 đạt 3,65%. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng đầu năm 2018 đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý đề ra. Đáng lưu ý, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như: Gạo 2,48 tỷ USD, tăng 23,1%; lâm sản chính 6,64 tỷ USD, tăng 14%; thủy sản đạt 6,37 tỷ USD, tăng 6,9%; rau quả và trái cây 3,034 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017. Hết 9 tháng, thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp 9 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,85% so cùng kỳ năm trước.

Trong lĩnh vực thủy sản, đối với sản xuất cá tra, tính đến 30/9, tổng diện tích thả nuôi là 4.471 ha (tăng 10% so cùng kỳ ngoái), tổng sản lượng thu hoạch là 942.400 tấn (tăng 9,3%), giá trị xuất khẩu đạt 1,68 tỷ USD (tăng 29,2%). Về thị trường xuất khẩu, cá tra liên tiếp đón nhận nhiều tin vui trong những tháng cuối năm, khi mà phía Mỹ đã công bố dự thảo công nhận tương đương đối với Việt Nam; Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 – 31/7/2017; Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, Trung Quốc tăng trưởng tốt.

Đối với sản phẩm tôm, theo thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 701.302 ha (tăng 0,7% so cùng kỳ năm 2017), sản lượng 509.400 tấn (tăng 8%), giá trị xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD (giảm 1,1%). Về thị trường xuất khẩu, mặt hàng tôm cũng đón nhận tín hiệu sáng khi DOC thông báo hình thức chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ ngày 1/2/2016 – 31/1/2017 là 4,58%; thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, thị trường EU đã chuyển hướng tích cực từ tháng 7/2018; giá tôm nguyên liệu trong nước đã tăng trở lại ở mức cao. 

Xây dựng danh mục hàng chủ lực

Theo Bộ NN&PTNT, trên thế giới, đã có nhiều quốc gia xác định sản phẩm nông sản chủ lực để khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, đến nay, chưa có bộ chỉ số thống nhất nào để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực giữa các quốc gia trên thế giới. Thay vào đó, tùy theo từng điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội cũng như mục tiêu về chính trị, an sinh xã hội của mỗi quốc gia mà lựa chọn sản phẩm nông sản chủ lực để tập trung phát triển.

Qua tổng quan kinh nghiệm quốc tế về xác định và phát triển sản phẩm chủ lực, có bốn nhóm tiêu chí chính mà hầu hết các nước đều sử dụng để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của mình, bao gồm: Nhóm tiêu chí về kinh tế; Nhóm tiêu chí về xã hội; Nhóm tiêu chí về môi trường; Nhóm tiêu chí về sản phẩm ưu tiên phát triển. Theo đó, sau khi xem xét các sản phẩm nhóm hàng nông nghiệp dựa theo các tiêu chí trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, trong đó, đề xuất 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, cá tra, tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm), thịt, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia để từ đó có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, với thặng dư tăng từ 7 tỷ USD năm 2015 lên 8,5 tỷ USD năm 2017 và có thể sẽ vượt 9 tỷ USD trong năm nay, góp phần đáng kể vào cân đối ngoại tệ cho quốc gia. Xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng, mở rộng tới 180 thị trường. Năm 2018, xuất khẩu ngành nông nghiệp có thể sẽ đạt trên 40 tỷ USD.

Thiên Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!