Tăng trưởng trong phạm vi nhu cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là nhận định của ông Trương Đình Hòe (ảnh), Tổng thư ký VASEP về vấn đề thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian gần đây.

Trước rào cản về Oxytetracycline (OTC) của thị trường nhập khẩu thủy sản, doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì, thưa ông?

Các doanh nghiệp cần kiểm soát chất lượng sản phẩm, nghĩa là kiểm soát chặt nguyên liệu chế biến và sản phẩm trước khi xuất khẩu. Các cơ quan chuyên ngành cần kiểm soát chặt hơn các yếu tố đầu vào, cần có ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương tăng cường kiểm tra việc sử dụng OTC trong nuôi tôm; Đồng thời, có biện pháp đánh giá khoa học về tác dụng cũng như mức độ cần thiết sử dụng OTC cùng các biện pháp thay thế cho việc điều trị bệnh tôm để có quy định, hướng dẫn rộng rãi và cụ thể đến người nuôi tôm, nhằm nâng cao nhận thức giúp người nuôi phòng trị bệnh tốt mà không để lại dư lượng kháng sinh trong tôm.

 

Ông có dự báo gì về thị trường tiềm năng xuất khẩu cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong tương lai?

Thủy sản Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết các thị trường lớn tiêu thụ nhiều thủy sản của Việt Nam đều tăng nhập khẩu, chủ yếu là tăng nhập khẩu tôm; trong đó, Mỹ vẫn duy trì vị trí số 1, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu. Một số thị trường tiềm năng như ASEAN, châu Á… các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác mở rộng quan hệ.

 

Còn về các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực, thưa ông?

Về ngành tôm, nguồn cung của các nước xuất khẩu tôm lớn trong khu vực và trên thế giới giảm (do hội chứng EMS vẫn còn, nguồn cung không đủ cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường), nên các khách hàng phải chuyển các đơn hàng lớn sang Việt Nam. Bên cạnh đó, nền kinh tế châu Âu phục hồi, thị yếu của thị trường thế giới có mức tăng sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm. Những ảnh hưởng này tác động đến ngành tôm Việt Nam. Giá tôm nguyên liệu trong nước hiện vẫn có lãi cho người nuôi đã thúc đẩy nông dân nuôi tôm Việt Nam mở rộng diện tích nhằm tăng sản lượng với kỳ vọng thu lợi từ việc giá tôm sẽ tiếp tục giữ vững trong thời gian tới. Theo đó, ngành chức năng cần phải định hướng, vẫn tăng diện tích tôm nhưng ở mức độ tăng trưởng trong phạm vi nhu cầu thế giới. Đồng thời, để tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm giá trị cao.

Vũ Mưa (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!