T2, 06/07/2020 01:45

Tuân thủ luật để khai thác hiệu quả, bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Với quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, ngày 16/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đây được coi là công cụ hữu hiệu, với những mức xử phạt nghiêm ngặt hơn. Thủy sản Việt Nam đã có buổi trao đổi với bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) để hiểu hơn về những điều này.


Ngư dân cần nói không với khai thác bất hợp pháp

Sau 2 năm triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” cho vấn đề khai thác IUU, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả rất tích cực, trong đó có vấn đề về mặt pháp lý. Chia sẻ của bà về điều này?

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam, sau khi bị cảnh báo, cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp thủy sản đã tích cực triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Đến nay, sau gần 2 năm tích cực và nỗ lực triển khai các khuyến nghị đó, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận và nổi bật phải nói đến kết quả trong việc hoàn thiện khung pháp lý

Khung pháp lý đã được hoàn thiện và cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, phù hợp với thực tiễn của ngành, trong đó có các quy định về chống khai thác IUU và quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Quốc hội đã thông qua việc ban hành Luật Thủy sản; Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Quyết định và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành 8 Thông tư; đặc biệt các vi phạm về khai thác IUU được quy định với khung xử phạt cao đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn.

Cùng đó, đã hoàn tất thủ tục trở thành thành viên chính thức của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAO vào ngày 3/1/2019 và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên hợp quốc vào 17/1/2019.

Hiện nay, vấn đề tàu cá vi phạm trong khai thác thủy sản, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài còn phức tạp, theo bà nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm trong khai thác thủy sản và đặc biệt là tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ý thức của ngư dân trong việc tuân thủ pháp luật còn rất hạn chế.

Để tạo thêm sức răn đe, cũng như tạo hành lang pháp lý trong việc xử lý tàu cá vi phạm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP, bà có thể chia sẻ một vài điểm nổi bật của Nghị định này?

Nghị định 42/2019/NĐ-CP có nhiều điểm nổi bật, trong đó có thể nói đến một số điểm như sau:

– Mức xử phạt được quy định trong Nghị định là rất cao (đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng và đối với tổ chức lên đến 2 tỷ đồng), đặc biệt là mức phạt đối với hành vi khai thác IUU (không lắp thiết bị giám sát hành trình, không duy trì kết nối của thiết bị hành trình trong khi tàu hoạt động, không có, không ghi nhật ký khai thác thủy sản…)

– Phân định rõ mức độ, hành vi để xử lý hành chính đối với Bộ Luật hình sự. Không quy định hình thức xử phạt cảnh cáo.

– Bên cạnh mức xử phạt tiền cao, Nghị định cũng quy định biện pháp xử phạt bổ sung nghiêm khắc như: tịch thu thủy sản khai thác, tịch thu tàu cá…

– Quy định nhiều hành vi vi phạm để phù hợp với quy định mới của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật.

– Phân định rõ thẩm quyền của các chức danh, lực lượng tham gia vào xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo bà, để Nghị định nhanh chóng đi vào cuộc sống cũng như tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động khai thác, cần có những giải pháp nào trong thời gian tới?

– Các cấp có thẩm quyền phải bố trí nguồn lực (nhân lực, vật lực) để tổ chức thực thi pháp luật về thủy sản.

– Tập trung tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về thủy sản cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh trong đó tập trung tuyên truyền phổ biến bằng hình thức phù hợp nhất với ngư dân hoạt động khai thác thủy sản.

– Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển, tại cảng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với các vụ vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định, nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý để nâng cao nhận thức của người dân.

– Tổ chức triển khai một số chính sách để chuyển đổi nghề cho ngư dân, thúc đầy hợp tác quốc tế để đưa ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản ở nước ngoài hợp pháp.

– Ngư dân cần nói không với khai thác bất hợp vì quyền lợi của chính mình và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Trân trọng cảm ơn bà!

>> Với việc khai thác thủy sản trái phép, theo quy định tại Nghị định 42: Chủ tàu cá sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên, khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn, sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với chủ tàu cá sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam. Tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn cũng bị phạt ở mức này. Các tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 m mà vi phạm khai thác không phép như trên thì chủ tàu cá sẽ chịu mức phạt tiền từ 300 – 700 triệu đồng.

Nguyễn Chi (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!