Xuất khẩu năm 2015: Sóng lớn thử tay chèo

Chưa có đánh giá về bài viết

2015 được dự báo là năm nhiều thách thức với ngành thủy sản Việt Nam, khi quá trình hội nhập quốc tế mạnh hơn bao giờ hết, cạnh tranh cũng phức tạp hơn nhiều.

Tái cấu trúc kinh tế thế giới

Ngoài những biến động mạnh mẽ về địa chính trị ở châu Âu và một số khu vực của châu Á, giá dầu giảm mạnh sẽ làm thay đổi diện mạo nền kinh tế thế giới và người ta hy vọng kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Liên hợp quốc dự báo, năm 2015 kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% (năm 2014 tăng 2,6%); kinh tế Mỹ tiếp tục cải thiện, tăng trưởng 2,8%; kinh tế Anh tăng trưởng 2,9%; kinh tế châu Á tăng trưởng 6,1% (trong đó Ấn Độ 6,3%; Trung Quốc tăng 7,4%; Nhật Bản 0,4%). FAO dự báo, năm 2015, tổng nhu cầu thuỷ sản và sản phẩm thủy sản trên thế giới khoảng 183 triệu tấn; tiêu thụ thủy sản tính theo đầu người tăng bình quân 0,8% trong giai đoạn vừa qua tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, giá dầu giảm mạnh sẽ tiết kiệm chí phí sản xuất cho hầu hết các nước đang phát triển, kích thích quá trình phục hồi kinh tế, đồng thời làm sống lại thị trường tiêu dùng vốn ảm đạm suốt 6 năm qua.

 

Việt Nam hội nhập sâu rộng

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT dự kiến, năm 2015, nhiều hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký. Đây sẽ là chìa khóa để hàng nông thủy sản Việt Nam tiến vững chắc ra thế giới. Bên cạnh đó, việc thông thương với thị trường Nga, Đông Âu cũng mở ra tiềm năng rất lớn; năm 2015 có bước tăng trưởng 2 – 3 lần, khi hiệp định FTA thực thi. Năm 2015, xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam vào Nga trị giá khoảng 500 triệu USD (năm 2014 con số này 200 triệu USD). Bên cạnh đó, nếu kết thúc đàm phán hiệp định thương mại với EU, khu vực đang áp thuế bình quân 7%, thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ chiếm ưu thế vượt trội so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác (kể cả Trung Quốc).

Năm 2014, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt hơn 1,7 tỷ USD – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thách thức về giá và hàng rào kỹ thuật

Giá dầu giảm sâu và nhiều khả năng còn giảm tiếp, vô hình trung khiến đầu vào của ngành thủy sản giảm nhanh, giá thành sản phẩm cũng giảm nhiều. Điều này sẽ kích thích được tiêu dùng nhưng cũng đòi hỏi hiện đại hóa các quy trình quản lý, nếu không thì sẽ khó cạnh tranh. Các chuyên gia đã cảnh báo xu hướng thủy sản giá rẻ trên thế giới. Các mặt hàng, trong đó có thủy sản, đang giảm mạnh trong 6 tháng gần đây. Trong khi đó, chi phí trung gian của Việt Nam vẫn rất lớn. Mặt khác, chỉ có khoảng 70 nhà máy sản xuất chế biến cá tra, nhưng có tới 193 đơn vị tham gia xuất khẩu. Giảm chi phí trung gian sẽ giúp hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh.

Nếu chỉ xét giá trị kim ngạch xuất khẩu thì Việt Nam đã đạt mục tiêu giai đoạn này. 7,92 tỷ USD là con số xuất khẩu của ngành thủy sản đạt được trong năm 2014 (tăng 18,4% so năm 2013). Tuy vậy, chương trình phát triển ngành thủy sản còn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 100% sản phẩm thủy sản xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của một số thị trường nhập khẩu lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản) và các thị trường mới, khó tính (Nga, Hàn Quốc…). Đây là vấn đề cần ráo riết giải quyết trong năm 2015.

Năm 2015, các Bộ NN&PTNT, Công thương cùng Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chương trình phối hợp kiểm soát tình trạng sử dụng vật tư đầu vào, hóa chất kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng, nhằm tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng.

Thiết nghĩ, bên cạnh các hoạt động, chế tài của cơ quan nhà nước, cần phải có sự tích cực của các hiệp hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, để chính những người sản xuất, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu ý thức được vấn đề chất lượng là vấn đề sống còn trong xuất khẩu. Những cảnh báo gần đây về dư lượng kháng sinh và chất cấm một lần nữa cho thấy các cơ sở nuôi trồng chế biến vẫn chưa thực sự có trách nhiệm với khách hàng, cũng như với thương hiệu chung của ngành.

Cùng đó, theo các chuyên gia, với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị áp thuế chống bán phá giá, cần giảm phụ thuộc thị trường Mỹ; dịch chuyển đơn hàng sang các thị trường lớn khác (như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…). Không chỉ cơ cấu lại thị trường, ngành hàng cá tra cũng có những điều chỉnh, nhất là về diện tích, phù hợp hơn với nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.

 

Tái cơ cấu lại thị trường

Xuất khẩu thủy sản trong năm 2015 vẫn sẽ dựa vào các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra và hải sản. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những cơ cấu lại về mặt thị trường, bởi những nguyên nhân khác nhau.Với con tôm, ở thị trường chủ lực là Mỹ, ngoại trừ một số doanh nghiệp không bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) theo phán quyết cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) do Bộ Thương mại Mỹ công bố, thì những đơn vị khác đều phải chịu mức thuế CBPG rất cao, cao nhất từ trước tới nay. Mức thuế suất bình quân cho các doanh nghiệp bị đơn của Việt Nam là 6,37%.

Với mức thuế quá cao như trên, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2015 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn, nhất là khi các nước cạnh tranh chủ yếu không bị áp thuế CBPG hoặc có mức thuế thấp hơn nhiều: Indonesia và Ecuador không bị áp thuế CBPG; các bị đơn bắt buộc của Ấn Độ phải chịu mức thuế 1,97 – 3,01%, bị đơn tự nguyện là 2,49%; các bị đơn của Thái Lan chịu thuế chống bán phá giá chung là 1,1%. Nếu vẫn mua tôm Việt Nam, nhất là từ những doanh nghiệp bị áp thuế CBPG theo POR8, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải ký quỹ với khoản tiền lớn, và vì thế nhiều khả năng họ sẽ chuyển đơn hàng sang các nước không bị áp thuế hoặc có mức thuế thấp hơn nhiều so với Việt Nam.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị áp thuế CBPG cần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, dịch chuyển đơn hàng sang các thị trường lớn khác như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Không chỉ cơ cấu lại thị trường, ngành hàng cá tra cũng sẽ có những điều chỉnh về mặt sản xuất, nhất là về diện tích để phù hợp hơn với nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.

Còn với mặt hàng cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, trong năm 2015, diện tích sản xuất cá tra sẽ chỉ còn khoảng 5.900 ha, giảm 500 ha so năm 2014. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các thị trường quan trọng như EU, Mỹ…; trong năm 2015, các doanh nghiệp cũng sẽ chú trọng hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường đầy tiềm năng khác như ASEAN, Trung Quốc, Nga, Trung Đông… (Đây là những thị trường dự báo sẽ còn trong năm 2015 cũng như những năm tới).

>> Mục tiêu năm 2015 xuất khẩu 8,5 tỷ USD thủy sản sẽ gặp thách thức đáng kể (sự phục hồi ngành tôm Thái Lan, Trung Quốc…); nhưng năm 2015 cũng hứa hẹn khai thông nhiều thị trường tiềm năng. Quan trọng là chất lượng, giá cả Việt Nam đưa ra với các mặt hàng chủ lực (tôm, cá tra) sẽ mang tính quyết định thành công.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!