11 năm hình thành và phát triển, từ số báo đầu tiên phát hành ngày 24/7/2008, đến nay Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã đi đến con số 319, với hàng triệu tờ báo tỏa đi khắp mọi vùng miền cả nước, theo chân các doanh nhân, độc giả trên các chuyến bay trong nước và quốc tế. Một vinh dự mà không phải ấn phẩm tạp chí nào cũng có thể làm được. Cùng nhìn lại những cái “nhất” của Tạp chí Thủy sản Việt Nam trong năm 2019.
1. Chuyên đề thực tế nhất: Chuyên đề về cá rô phi trên Tạp chí Thủy sản Việt Nam số 8 phát hành ngày 16/4/2019 được đánh giá là chuyên đề thực tế nhất và phù hợp với thực tại. Cá rô phi, một đối tượng nuôi rất tiềm năng, thị trường rộng, nhưng ở nước ta vẫn chưa thể phát triển. Nói đúng hơn, có phát triển nhưng vẫn mang tính “lấp cho đầy ao khi không thể nuôi đối tượng khác”, chứ không phải chủ đích phục vụ xuất khẩu. Vậy nhưng, trong bối cảnh các đối tượng chủ lực khác như tôm đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt, cá tra sẽ nhanh chóng không còn là của riêng Việt Nam thì có lẽ cá rô phi cần nhận được sự quan tâm lớn hơn nữa. Để có thể phát triển thành ngành hàng chủ lực, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có những hành động cụ thể để thúc đẩy phát triển, mở rộng quy mô vùng nuôi, nuôi theo quy trình VietGAP… Quan trọng, là phải có định hướng thị trường cụ thể.
2. Bài viết chủ đề “nóng” nhất: Logistics có lẽ là chủ đề “nóng” nhất trong các diễn đàn thủy sản trong năm qua. Vấn đề này được phản ánh qua bài viết Nghề cá ĐBSCL: Phát triển logistics là tất yếu đăng tải trên mục Theo dòng thời sự Tạp chí Thủy sản Việt Nam số 9, phát hành ngày 1/5/2019 của nhà báo Phạm Duy Tương (bút danh Sáu Nghệ). Nội dung bài báo có đoạn: Tỷ lệ chi phí logistics của Việt Nam/GDP đang cao nhất thế giới. Ở vựa thủy sản ĐBSCL, có trên 70% sản lượng phải chở lên TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu khiến chi phí vận tải cao hơn 10 – 40% tùy từng chuyến. Tính chung, chi phí logistics cho xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 20 – 25%, khá cao so với các nước trong khu vực (10 – 15%). Do vậy, việc thiếp lập trung tâm logistics nghề cá ở ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông trong nước và xuất khẩu đang rất gấp rút. Một bất cập đã kìm hãm sự phát triển của ngành thủy sản.
3. Tình hình “gắt” nhất: Đó là chuyên đề thủy sản gặp khó vì nắng nóng trên Thủy sản Việt Nam số 9, ngày 1/5/2019. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường và cực đoan đã khiến cho người nuôi trên cả nước lao đao vì thủy sản chết hàng loạt. Trên cả nước, từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến cực Nam của Tổ quốc, đều điêu đứng vì nắng nóng gay gắt. Tại Lào Cai, nắng gắt khiến cho cá hồi, cá tầm nuôi chết hàng loạt. Dọc miền Trung vào miền Tây, hàng loạt ao nuôi ngột ngạt vì nước cạn, độ mặn tăng cao, tôm nhiễm bệnh chết hàng loạt; người dân khóc ròng vì tài sản bị mất mà không cách nào cứu vãn. Thủy sản Việt Nam trải qua một mùa hè tồi tệ, thế nhưng, nhiều chuyên gia cảnh báo, với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, điều này rất có thể sẽ còn lặp lại, người nuôi cần thận trọng.
4. Trang bìa ấn tượng nhất: Trang bìa ấn phẩm Tạp chí Thủy sản Việt Nam số 5 (ngày 1/3/2019) với tít: Cá tra Việt: Hy vọng tăng trưởng mới” của tác giả Lê Hoàng Vũ là bìa báo được đánh giá là ấn tượng nhất trong 24 số Thủy sản Việt Nam năm 2019. Một nụ cười tươi duy nhất của ngành cá tra năm qua. Đây là giai đoạn mà ngành cá tra vẫn ở ngưỡng cao, mang về lợi nhuận lớn cho người nuôi và doanh nghiệp, kỳ vọng một năm 2019 với những bứt phá mới. Vậy nhưng chỉ sau đó không lâu, giá cá tra sụt giảm không phanh và chìm đáy đến tận bây giờ. Giá cá tra chỉ 19.500 – 20.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Một năm rất nhiều “thảm cảnh” của ngành hàng này, thế nên, nụ cười của người nuôi cá tra đã vô tình trở thành một ấn tượng tươi sáng hiếm hoi.
5. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất: Kháng sinh Nano. Trong chuyên mục Ý kiến – Bình luận số 5 phát hành ngày 1/3/2019, tác giả Sáu Nghệ đã giới thiệu về nghiên cứu của TS Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu Nano Y sinh của Viện Khoa học Vật liệu. Kết quả cho thấy, kháng sinh Nano dùng cho tôm, cá đã phát huy giá trị trúng đích nên tôm, cá hết bệnh mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng. Bởi, Việt Nam thuộc xứ khí hậu nhiệt đới nên vi khuẩn, virus rất nhiều và tôm, cá dễ nhiễmbệnh. Nếu không dùng kháng sinh để trị bệnh thì tôm, cá dễ bị chết, mà dùng kháng sinh thông thường lại gây tồn dư lớn, ảnh hưởng tới chất lượng. Kháng sinh Nano đã giải quyết được vấn đề, với ưu điểm trúng đích nên chỉ dùng một lượng nhỏ bằng khoảng 1/100 so với kháng sinh thông thường mà người dân đang sử dụng, kết quả trị bệnh rất tốt mà tôm, cá không nhiễm kháng sinh, đáp ứng yêu cầu chất lượng của mọi thị trường. Kết quả nghiên cứu của TS Thư đang mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành thủy sản nước ta, giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để đưa vào thực tiễn có lẽ cần thêm một thời gian dài nữa.
6. Chuyên mục gây tiếc nuối nhất: “Cười hay Mếu”. Với mong muốn đưa thêm cái nhìn toàn cảnh về xã hội, năm 2018, Tạp chí Thủy sản Việt Nam mở ra chuyên mục Cười hay Mếu do Luật sư Đinh Anh Tuấn đảm nhiệm. Mỗi bài viết trong chuyên mục này là một câu chuyện của đời thường được nhìn qua lăng kính của người dân và lăng kính pháp luật. Mỗi câu chuyện một nội dung khác nhau, về những sự việc xảy ra ngoài xã hội, dù không “đao to búa lớn”, nhưng đều để lại những bài học rất giá trị. Đó vừa như một lời cảnh tỉnh đối với mọi người trước những cám dỗ và mánh khóe ngoài xã hội; đồng thời nhắc nhở những kẻ phạm pháp về “lưới trời lồng lộng”. Những câu chuyện thấm thía qua cách viết hài hước của Luật sư Đinh Anh Tuấn khiến người đọc không biết nên cười hay mếu. Đây là một trong những chuyên mục được đón đợi và nhận nhiều phản hồi của độc giả, tuy nhiên, do một số yếu tố, chuyên mục đã tạm dừng, để lại nhiều tiếc nuối cho độc giả.
7. Nội dung giá trị nhất: Đó là “Sản phẩm phụ: Thị trường ngách giá trị cao” của tác giả Mi Lan đăng tải trên Thủy sản Việt Nam số 1/1/2019. Bài báo cho biết: Phụ phẩm thường chiếm khoảng 10 – 20% tổng sản lượng thủy sản nói chung hàng năm, song nguồn nguyên liệu quý này đã được khai thác tối đa và trở thành thị trường ngách triệu đô tại nhiều nước trên thế giới. Tại Na Uy, những chế phẩm trong xưởng chế biến lại nhằm phục vụ tiêu dùng của con người. Điển hình nhất là khô dầu hoặc xương sống cá. Mỗi năm, Na Uy xuất khẩu 50 – 60 triệu USD mặt hàng này. Còn ở Việt Nam, ngành cá tra và tôm đang phát triển nhanh nhưng những sản phẩm phụ vẫn chưa được khai thác hợp lý. Theo bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản tại Việt Nam được so sánh với Na Uy giai đoạn 10 năm trước, đạt khoảng 275 triệu USD. Tuy nhiên, nếu khai thác hết tiềm năng, giá trị gia tăng cho toàn ngành thủy sản có thể đạt 2 tỷ USD. Một mỏ vàng vẫn đang bị lãng quên.
8. Bức ảnh “ám ảnh” nhất: Đó là hình ảnh xác của con cá nhà táng mang thai được tìm thấy khi dạt vào bờ biển Sardinia, Italia. 22 kg rác thải nhựa đã được tìm thấy trong bụng nó. Sự việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông về vấn đề rác thải nhựa đang ngập tràn đại dương. Một vấn nạn nhức nhối đã và đang được các nước chung tay khắc phục. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Hy vọng góp phần tích cực để trả lại môi trường sống trong sạch và an toàn cho các sinh vật biển, xa hơn, đó là bảo đảm được con đường mưu sinh của hàng triệu ngư dân sống dựa vào biển cả.
9. Mô hình “đơn giản” nhất: Đó là mô hình nuôi ếch xen cá điêu hồng của lão ông Nguyễn Văn Sinh, 68 tuổi, ngụ ấp Phú Hưng, xã Phú Thịnh (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) được giới thiệu. Từ năm 2018, ông phát triển mô hình “2 trong 1”, dưới ao thả cá điêu hồng, bên trên nuôi ếch trong mùng lưới. Sau những vụ thành công, ông Sinh khẳng định, cùng diện tích mặt nước thì khó có mô hình nào hiệu quả kinh tế hơn mô hình này. Muốn thành công hơn nữa thì siêng năng hơn nữa, kết quả sẽ như mong muốn. Mặc dù mô hình này không mang lại tiền tỷ sau mỗi vụ nuôi như tôm và cá tra, thế nhưng, nó lại an toàn, dễ làm và phù hợp với người nông dân ít vốn. Một mô hình đơn giản nhưng rất hiệu quả mà nhiều địa phương đang tham khảo và áp dụng.
10. Bài viết “mất giá” nhất: Năm 2018, con tôm Việt Nam phăng phăng về đích thắng lợi cả trong sản xuất và xuất khẩu. Dựa trên nền tảng đó và sự dự đoán thị trường rộng mở, ngành thủy sản đặc mục tiêu năm 2019 là 4,09 tỷ USD, tăng mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia sản xuất tôm khác, giá bán tôm trên thị trường thế giới sụt giảm, do vậy, mục tiêu của ngành tôm đã không thể hoàn thành. Tại Đối thoại bàn tròn “Nâng cao giá trị tôm qua đổi mới công nghệ sản xuất”, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia đều chung ý kiến, chỉ tiêu xuất khẩu ngành tôm hạ xuống, chỉ khoảng 3,6 – 3,7 tỷ USD, giảm mạnh so với kỳ vọng. Cùng với cá tra, đây là năm mà con tôm Việt Nam “mất giá” nhiều như vậy.