4 yếu tố giúp tôm lột xác đều

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Quá trình lột xác nhanh và đồng loạt sẽ giúp tôm phát triển tốt, góp phần tăng năng suất, chất lượng của tôm nuôi.

Dinh dưỡng

Là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tôm khó lột xác. Tôm thiếu dinh dưỡng sẽ không đủ chất để làm đầy vỏ nên vỏ không nứt ra để lột xác. Để tôm lột xác tốt cần cho tôm ăn thức ăn có hàm lượng đạm tổng số 32 – 45%. Cho tôm ăn khẩu phần phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Cùng đó, điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn. Chuyển đổi thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày. Ngoài ra, sau khi tôm lột xác, chúng sẽ bắt đầu một quá trình tích lũy dinh dưỡng cho một chu kỳ lột xác mới. Vì vậy, trong khẩu phần ăn của tôm cần bổ sung các vitamin, protein đậm đặc, sử dụng thức ăn chất lượng sẽ giúp cơ thể tôm trở lại với điều kiện tối ưu và ngăn cản các tác động xấu đến tôm khi có sự thay đổi đột ngột của các điều kiện môi trường.

 

Khoáng chất

Để tôm lớn nhanh, điều quan trọng nhất là tôm phải lột xác thường xuyên và đúng chu kỳ. Tôm có lớp vỏ kitin giàu canxi bao bọc bên ngoài cơ thể tạo thành một khung xương chắc chắn bảo vệ cho các cơ quan bên trong. Vỏ tôm với 2 thành phần chính: 55% khoáng vô cơ phần lớn là Ca và Mg với các loại khoáng khác và 45% còn lại gồm chitin (hợp chất protein chitin được cấu thành từ carbonhydrate và protein). Do đó, khoáng chất rất cần thiết trong quá trình phát triển của tôm. Đặc biệt, đối với tôm nuôi trong ao khi lượng khoáng chất không dồi dào như trong môi trường tự nhiên thì hàm lượng chất khoáng hòa tan có trong ao là yếu tố quan trọng giúp tôm lột xác đồng đều và tái tạo nhanh lớp vỏ mới.

Vì vậy, cần cung cấp đầy đủ chất khoáng cần thiết giúp tôm lột xác tốt hơn, đặc biệt với TTCT. Khoáng sử dụng trong nuôi tôm có hai dạng: khoáng đa lượng bao gồm các khoáng chất được cung cấp dưới dạng hợp chất như MgSO4, CaCl2, MgCl2 hoặc vôi, muối ăn… Loại này được sử dụng để đánh trực tiếp vào nước. Loại thứ hai là khoáng vi lượng bao gồm: Fe, Mn, Cu, Zn… phối trộn ở dạng bột hoặc nước dùng để trộn với thức ăn. Tôm nuôi thường lột xác vào ban đêm vì vậy nên bổ sung chất khoáng vào bữa ăn chiều cho tôm.

Ngoài ra, đối với ao nuôi mật độ dày khi tôm lột xác đồng loạt, khoáng chất trong môi trường giảm đột ngột. Nhưng khoáng chất lại là yếu tố cũng không thể thiếu cho tảo. Do đó, nếu ao nuôi có tảo dày, nguy cơ tảo tàn đột ngột từ 1 – 3 ngày sau khi lột đồng loạt sẽ làm môi trường nuôi trở nên xấu đi nhanh chóng và có thể làm tôm nhiễm bệnh nguy hiểm do vi khuẩn và khí độc. Vì vậy, tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của từng ao để bổ sung khoáng một cách phù hợp trước, trong và sau khi lột xác.

Môi trường

Hàm lượng ôxy hòa tan: Trong quá trình lột xác, nhu cầu ôxy của tôm cao gấp đôi nên khi thấy tôm có dấu hiệu chuẩn bị lột xác cần tăng cường quạt nước, sục khí để bổ sung hàm lượng ôxy hòa tan. Duy trì hàm lượng ôxy trong khoảng 4 – 6 mg/l trong suốt quá trình lột xác của tôm.

Độ mặn: Những ao nuôi tôm có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan có sẵn trong ao càng cao và ngược lại. Do đó, đối với những ao nuôi tôm có độ mặn thấp thì phải tăng cường việc bổ sung khoáng cho tôm. Tuy nhiên, nếu độ mặn tăng cao hơn 25‰, vỏ tôm thường dày và cứng, kéo dài thời gian lột xác của tôm. Vì vậy, cần nuôi tôm theo đúng thời vụ và vùng quy hoạch theo khuyến cáo.

pH: Tôm lột xác khi pH đạt 7 – 8,5 và tốt nhất 7,5 – 8. Để ổn định pH cần duy trì độ trong của nước ao nuôi từ 30 – 40 cm. Nếu pH < 7,5 cần bón vôi (CaCO3, Dolomite) với liều 10 – 20 kg/1.000 m3; pH > 8,5 thì sử dụng mật rỉ đường với lượng 3 kg/1.000 m3, kết hợp sử dụng vi sinh, liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn nhà sản xuất.

Độ kiềm: Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng nên cần duy trì độ kiềm từ 120 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite; đồng thời bổ sung khoáng 3 – 5 ngày/lần vào ban đêm giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

Ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh

Vi khuẩn gây bệnh luôn có mặt trong ao nuôi thâm canh. Khi lột xác, tôm sẽ phải trốn tránh kẻ thù là đồng loại mạnh khỏe khác hoặc địch hại trong ao (nếu có). Khi đó, chúng sẽ tìm đến vùng an toàn hơn để ẩn nấp, và những vùng đó lại là nơi có nhiều vi khuẩn, chất hữu cơ và thậm chí cả khí độc. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh có thể tấn công ồ ạt và làm tôm nhiễm bệnh với cường độ rất cao. Một số dấu hiệu để nhận biết tôm nhiễm khuẩn là tôm lờ đờ, ăn yếu, râu, mắt và vảy râu, vảy đuôi thường có màu đỏ sậm, dễ nhiễm các bệnh khác.

Để hạn chế vi khuẩn gây bệnh tấn công, người nuôi cần bổ sung chế phẩm sinh học thường xuyên trong ao vào thời điểm lột xác và cho ăn men tiêu hóa ngay sau khi lột. Cùng đó, cần thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu pH, độ kiềm và hàm lượng khoáng. Nếu yếu tố nào không đảm bảo, phải có các bước điều chỉnh ngay lập tức.

>> Lột xác ở tôm là một quá trình diễn ra theo chu kỳ và được lặp đi lặp lại trong suốt vòng đời của chúng. Đó là một phần chọn lọc tự nhiên, để chọn ra con tôm tốt nhất và loại bỏ những con tôm yếu.

Nguyễn Hằng

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!