5 bài học để nuôi thủy sản thành công

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Môi trường NTTS ngày càng bị tác động khiến hiệu quả sản xuất không cao trong khi chi phí gia tăng. Vậy nên, việc kiểm soát và cải thiện môi trường là trong suốt quá trình nuôi rất cần thiết. Hiện nay, áp dụng khoa học công nghệ cao đang được đánh giá là giải pháp tối ưu.

Mô hình vượt trội

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã kịp thời chuyển giao công nghệ, cập nhật và xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến, giới thiệu giải pháp kỹ thuật, giúp người dân từng bước thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình NTTS gắn với bảo vệ môi trường ngày một hiệu quả hơn.

Điển hình là mô hình nuôi TTCT thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường được triển khai tại tỉnh Trà Vinh. Chất thải ao nuôi được đưa vào hầm biogas nên ít tác động xấu đến môi trường nước xung quanh so với nuôi theo quy trình truyền thống hiện nay. Năng suất tôm đạt trên 20 tấn/ha/vụ, hệ số thức ăn dưới 1.2. Cùng đó, mô hình còn lắp đặt hệ thống giám sát cảnh báo môi trường ao nuôi và hầm biogas.

Mô hình nuôi cá chạch lấu trong vèo đặt trong ao đất có sử dụng hệ thống sục khí nano của ông Trần Hồng Thái, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đang rất được chú ý. Với diện tích ao 1.000 m2, ông bố trí 4 vèo, 16 m2/vèo, mỗi vèo đều có sục khí bằng công nghệ Nano. Sau khi bơm nước vào ao với độ sâu 3,5 m được 15 ngày, ông Thái tiến hành thả 6.000 con giống cá chạch lấu, trọng lượng trung bình là 5 g/con (200 con/kg), mỗi vèo 1.500 con. Sau hơn một tháng, cá chạch lấu đạt trọng lượng trung bình 65 – 70 con/kg. Hiện lượng thức ăn: 7,5 kg/ngày. Cá rất đẹp, đều, phát triển rất tốt.

 

Lời khuyên hữu ích

Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, muốn NTTS thành công, người nông dân cần nằm lòng 5 bài học. Một là, cần tham quan trước và cả trong khi nuôi để có thêm kinh nghiệm, kiến thức mới; Hai là, phải chuẩn bị đầy đủ vật chất và tinh thần, như: kỹ thuật, tài chính, trang thiết bị…; Ba là, nên làm từ nhỏ đến lớn để rút kinh nghiệm; Bốn là, nên ghi chép nhật ký sản xuất; Năm là, phải chủ động sáng tạo và có khát vọng làm giàu với nghề mình đeo đuổi.

Cũng theo ông Tiêu, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường hơn nữa quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất, chất cải tạo môi trường; tổ chức lại sản xuất theo liên kết chuỗi, HTX, tổ hợp tác; khuyến cáo xây dựng các mô hình nuôi công nghệ cao, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao sản xuất con giống chất lượng, sạch bệnh…

Đại diện Viện Nghiên cứu NTTS II cho biết, về kỹ thuật, đối với mô hình NTTS nước ngọt, cần tập trung quản lý chất lượng nước ao nuôi, phát triển các mô hình nuôi gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Ứng dụng các mô hình công nghệ xử lý chất thải thích hợp như: Xử lý chất thải bùn thải, xử lý khử trùng nước thải trước lúc thải ra… Với mô hình NTTS nước mặn, lợ vùng ven biển, khi đào, đắp phát triển các vuông tôm, cá mới ở các vùng đất phèn hoặc khi nạo vét bùn thải vuông, vệ sinh ao nuôi cần bố trí hồ thu hồi bùn, xử lý nước thải thủy sản và khử phèn nước thải trước lúc thải ra sông rạch bằng các giải pháp ủ khử trùng, trung hòa bằng vôi, hóa chất…, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường đặt ra. Bên cạnh đó, người nuôi phải tăng cường áp dụng quy trình nuôi đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học trong NTTS.

>> Để người dân NTTS hiệu quả, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi; hỗ trợ kinh phí đánh giá chứng nhận GlobalGAP, ASC, VietGAP…

An Xuyên – Gia Bảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!