Chủ lực ngành thủy sản ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tổng cục Thủy sản đang xây dựng đề án phát triển thủy sản bền vững vùng ĐBSCL, tập trung vào nuôi trồng với mục tiêu: “Phát triển NTTS trở thành lĩnh vực sản xuất chính, quan trọng trong ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, phù hợp với điều kiện tự nhiên, các vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu để sản xuất an toàn, bền vững. Sản lượng, giá trị được nâng cao, sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và trách nhiệm xã hội…”.

Liên tục phát triển

NTTS ĐBSCL có hai sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, diện tích nuôi tôm nước lợ 670.551 ha (tôm sú 583.205 ha, TTCT 87.346 ha), cá tra 7.467 ha; sản lượng tôm 724.646 tấn (tôm sú 301.207 tấn, TTCT 423.440 tấn), cá tra 1.591.528 tấn. 

Còn tổng diện tích NTTS năm 2019 là 936.473 ha, tăng liên tục trong giai đoạn 2010 – 2019 khi năm 2010 mới có 745.293 ha, chủ yếu tăng diện tích nuôi tôm nước lợ. Năm 2019, nuôi nước lợ và mặn chiếm trên 85% và trong số này, tôm nước lợ chiếm 88,4%. Còn lại là nuôi cua, nghêu, cá, tôm càng xanh và các thủy, đặc sản của vùng.

Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng cá tra vùng ĐSBCL đạt 1,8 triệu tấn. Ảnh: Văn Phô

Cũng năm 2019, diện tích nuôi tôm càng xanh 52.657 ha; nuôi cua kết hợp trong ao tôm, xen canh và luân canh với lúa trên 100.000 ha; nhuyễn thể các loại như nghêu, sò huyết, hàu trên 30.000 ha. Tổng sản lượng NTTS tăng từ 1.982.389 tấn năm 2010 lên 3.254.315 tấn năm 2019, gấp 1,6 lần trong 10 năm.

Giá trị sản xuất NTTS tăng liên tục. Thống kê của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, năm 2010 hơn 78.000 tỷ đồng đến năm 2018 đã trên 178.000 tỷ đồng (tăng hơn 2,2 lần). Tốc độ tăng hàng năm về giá trị trung bình 5,69%, cao hơn tăng diện tích chỉ 2,57% và sản lượng 5,66%. Tỷ trọng đóng góp giá trị sản xuất thực tế của NTTS trong khối nông, lâm, ngư nghiệp cũng tăng từ 25,7% năm 2010 lên 30,7% năm 2018. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của NTTS là 5,69%, cao hơn so toàn ngành nông nghiệp chỉ 4,17%. 

NTTS ĐBSCL đã khai thác được tiềm năng, lợi thế điều kiện tự nhiên theo từng vùng sinh thái để tổ chức sản xuất mang lại kết quả to lớn về giá trị kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Hình thành các vùng nuôi trọng điểm tôm sú, TTTC, cá tra, tôm càng xanh, nhuyễn thể, thủy, đặc sản. Chuyển hướng rõ rệt theo hình thức và quy mô sản xuất công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao giá trị, góp phần cải thiện đời sống nông thôn, đặc biệt khu vực ven biển.

Thực tế đó từng bước xoay trục cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng thủy sản – cây ăn quả – lúa theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.

Khó khăn và thách thức

NTTS ĐBSCL cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trước hết là con giống, có vai trò quan trọng và quyết định sự thành công trong sản xuất, nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa nên chưa chủ động cung ứng. Mỗi năm vẫn phải nhập 180.000 – 260.000 con TTCT bố mẹ (khoảng 90% nhu cầu); tôm sú bố mẹ chủ yếu thu gom từ tự nhiên. Mới có tôm giống sạch bệnh cho nuôi công nghiệp, chưa có cho nuôi quảng canh, tôm – rừng. Giống cá tra xu hướng bị thoái hóa, tốc độ tăng trưởng chậm, dễ bị bệnh, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Một số giống loài khác vẫn còn lệ thuộc vào nguồn giống tự nhiên.

Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo: Hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp, thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp. 

Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào chế biến cá tra mang lại hiệu quả cao. Ảnh: LHV

Sản xuất manh mún, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất diễn ra ở nhiều nới. Tỷ lệ nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh còn thấp nên năng suất bình quân mới đạt khoảng 3,4 tấn/ha, thấp hơn năng suất bình quân của cả nước khoảng 4 tấn/ha. 

Liên kết trong sản xuất theo chuỗi còn rất nhiều hạn chế dẫn đến “được mùa mất giá” nhiều nơi. Giá thành một số đối tượng nuôi còn cao, đặc biệt là tôm nước lợ. Cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt, thị trường xuất khẩu thủy sản nói chung, tôm và cá tra nói riêng vẫn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó là nhiều rào cản và thách thức về thị trường, môi trường, kỹ thuật, công nghệ; xung đột với các ngành kinh tế khác trong sử dụng đất, nước, nguồn nhân lực. Đặc biệt là thách thức về biến đổi khí hậu.

Mục tiêu và giải pháp

Có bốn quan điểm phát triển được đặt ra: ĐBSCL tiếp tục là vùng phát triển NTTS trọng điểm, lớn nhất của cả nước theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là tôm nước lợ và cá tra. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và thực tiễn sản xuất để phát triển an toàn, bền vững. Phát triển NTTS phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và an toàn sinh học. Huy động sự tham gia của các bên liên quan đầu tư chuỗi sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch.

Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Diện tích trên 1,1 triệu ha (nước mặn và lợ 900.000 ha, nước ngọt 200.000 ha), sản lượng trên 5 triệu tấn (tôm nước lợ trên 1,2 triệu tấn, cá tra trên 1,8 triệu tấn, tôm càng xanh  trên 150.000 tấn, nhuyễn thể trên 350.000 tấn và các giống loài thủy sản khác 1,6 triệu tấn). Chủ động sản xuất được giống tốt, sạch bệnh. Vùng nuôi tập trung các đối tượng chủ lực 100% được cấp mã số và truy xuất nguồn gốc. Giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Phát triển thêm 2 – 3 đối tượng chủ lực.

Giải pháp chú trọng vào công nghệ, bảo vệ môi trường và chế biến sản phẩm có giá trị cao. Về công nghệ: Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng chủ lực, có tiềm năng. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ Nano để nghiên cứu sản xuất vật tư đầu vào phòng trị dịch bệnh, dinh dưỡng cho các đối tượng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nhân lực phục vụ NTTS. 

Giải pháp bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước, đặc biệt ở các vùng nuôi tập trung để theo dõi các biến động môi trường, kịp thời thông tin, cảnh báo cho các cơ sở nuôi trong vùng. Kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải của các vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, cơ cở chế biến thức ăn và khu công nghiệp phụ trợ.

Chế biến sản phẩm có giá trị cao: Khuyến khích áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến và công nghệ mới vào chế biến sản phẩm để giảm giá thành, đa dạng hóa mặt hàng, ưu tiên đặc biệt cơ sở chế biến các loại sản phẩm phụ để nâng cao giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường. Xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản Việt Nam, sản phẩm chỉ dẫn địa lý uy tín, đáp ứng thị hiếu và lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

>> Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thủy sản gần đây được coi là trọng tâm mới của nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, nhưng rủi ro rất lớn do ô nhiễm và đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nếu muốn đảm bảo kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp hạ tầng nước phục vụ thủy sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!