Đây là loài cá mút đá biển ở gần hồ Michigan (Mỹ), được mệnh danh “cá ma cà rồng” bởi đặc tính chuyên hút máu con vật khác, tiêu diệt hầu hết các loài thủy sinh.
Hút máu đồng loại
Cá mút đá có chiều dài 60 – 90 cm, hình dạng trông giống lươn nhưng hành vi giống đỉa. Với miệng tròn như chiếc đĩa, răng sắc nhọn, cá mút đá bám vào các loài khác, hút máu và dịch cơ thể của chúng, khiến nạn nhân suy yếu hoặc tử vong.
Cá mút đá sở hữu hàm răng sắc nhọn và dày đặc – Ảnh: USEAP
Có nguồn gốc Đại Tây Dương nhưng cá mút đá có thể sống ở những vùng nước ngọt và di cư đến vùng hồ Lớn ở biên giới giữa Mỹ và Canada, qua các con kênh vận tải.
Cuối những năm 1940, cá mút đá đã xâm lấn tàn sát cá hồi, cá thịt trắng và các loài cá thương phẩm khác trong hồ Michigan (Mỹ). Cuộc chiến tiêu diệt cá mút đá đã tiêu tốn của Mỹ hơn 400 triệu USD trong suốt 5 thập kỷ qua. Số lượng loài cá mút đá đã giảm khoảng 90% kể từ những năm 1950, khi các nghiên cứu tìm ra cách tiêu diệt chúng mà không ảnh hưởng tới những loài sinh vật khác.
Hai con cá mút đá đang hút máu và các chất dịch của cá hồi – Ảnh: Geat-lakes.net
Mới đây, Tổ chức bảo vệ thủy sản và động vật hoang dã Mỹ đã sử dụng một loại thuốc trừ sâu thả xuống dòng suối Mitchell Creek chảy vào hồ Michigan nhằm tiêu diệt ấu trùng “cá ma cà rồng”. Alex Gonzalez, một nhà sinh vật học thuộc tổ chức này cho biết: Ấu trùng cá mút đá trong các dòng sông là giai đoạn dễ tiêu diệt nhất, nhưng việc tiêu diệt cá mút đá trưởng thành là không thể.
Thu hút bạn tình với cơ quan nhiệt
Qua một nghiên cứu, Yu-Wen Chung-Davidson, nhà sinh vật học thuộc Đại học Michigan (Mỹ) nói: “Khi con gấu thức dậy khỏi giấc ngủ đông, loại mỡ nâu (mô mỡ màu sậm trong một số động vật có vú, đặc biệt là loài ngủ đông và trẻ nhỏ) giúp chúng hoạt động trở lại. Loại cá này cũng có tế bào chất béo để tạo ra nhiệt. Điều này ngoài sức tưởng tượng của tôi”. Đây là lần đầu tiên mô nhiệt như vậy được tìm thấy trong một loài máu lạnh, bởi sản xuất nhiệt cần nhiều năng lượng và đốt cháy nhiều calo, đặc biệt là động vật máu lạnh.
Cá mút đá biển sẽ chết khi chúng đẻ trứng, vì vậy tốt nhất là sử dụng hết mọi năng lượng mà chúng có để đảm bảo cho việc giao phối. Vẫn chưa rõ vai trò thực sự của nhiệt độ trong quá trình giao phối của cá mút đá. Nhiệt độ tăng lên khoảng 0,30C và thay đổi tùy thuộc con cái, nghĩa là con đực chọn bạn tình hấp dẫn hơn để đầu tư nhiều năng lượng hơn.
Nước truyền nhiệt không tốt; vì vậy các nhà khoa học cho rằng đầu tiên con đực sử dụng kích thích tố hoặc các tín hiệu hóa học để thu hút con cái từ xa. Sau đó tiếp tục khuyến khích sinh sản bằng nhiệt khi chúng tiếp xúc cơ thể với nhau. Khi hai con cá tiếp xúc cơ thể, con đực dùng miệng của mình gắn vào đầu của con cái và chúng bắt đầu đẩy mạnh trứng, tinh trùng vào trong nước. Các giao tử làm tổ trong chỗ lõm của đá, sỏi mà con cái đào bằng đuôi của nó.
Nhóm nghiên cứu hy vọng, sự hiểu biết về cách chúng giao phối sẽ giúp họ phát triển các kế hoạch kiểm soát số lượng cá hiệu quả hơn.
>> Trong suốt cuộc đời, cá mút đá giết chết khoảng 18 kg cá. |