Một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn, nhưng nguyên liệu đầu vào của các nhà máy sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn “ăn đong”, thậm chí một số đơn vị lớn không ngần ngại đặt mua nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất. Năm nay, được dự báo tình hình còn khó khăn hơn.
Treo nhà máy!
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong ba tháng đầu năm, một số tỉnh như Cần Thơ, Đồng Tháp nguyên liệu cá tra cho sản xuất sụt giảm tới 40 – 60% ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu. Ngay cả các nhà máy có vùng nuôi, công suất hoạt động cũng giảm 60 – 70%. Mặt khác, đa số các nhà máy lớn cũng chỉ có thể chủ động được khoảng 70% nguyên liệu. Giá thành nguyên liệu cao, khiến các nhà máy không dám bỏ tiền ra thu mua, vì lợi nhuận không còn hấp dẫn nhiều. VASEP tính toán, năm 2014 sẽ thiếu hụt khoảng 40% cá tra nguyên liệu. Con số này cần được nhìn nhận nghiêm túc.
Cũng theo thống kê, hiện có trên 560 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, nhưng chỉ hoạt động được 50 – 70% công suất thiết kế do thiếu nguyên liệu đã kéo theo tình trạng lãng phí vốn đầu tư và dẫn đến tình trạng thua lỗ trong kinh doanh. Sự bùng nổ các nhà máy cũng như việc không chủ động xây dựng vùng nguyên liệu dẫn đến tổng công suất chế biến hiện lên tới 5,1 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm; trong khi, các vùng nguyên liệu chỉ mới cung ứng được gần 3,2 triệu tấn/năm.
Cuộc chiến nguyên liệu
Một số nhà máy chế biến trong nước không ngần ngại bày tỏ tham vọng vươn lên top những nhà sản xuất thủy sản tên tuổi của thế giới. Thực tế thì vùng nguyên liệu của họ không tương xứng, bởi vậy mới có chuyện nhập khẩu nguyên liệu để xuất khẩu, kiểu làm gia công, thậm chí nhập khẩu tới 70% tổng nguyên liệu.
Ấn Độ, thậm chí Thái Lan, năm vừa qua đã trở thành những địa chỉ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy của Việt Nam. Xét về khía cạnh kinh doanh, đây là bài toán khá đơn giản. Giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ thấp hơn đáng kể so với tôm mua tại Việt Nam, nhà máy lại không cần phải đầu tư, không phải so kè giá cả. Mặt khác, khi nhà máy đã hoạt động quy mô cung ứng toàn cầu thì việc nhập nguyên liệu không có gì đáng ngạc nhiên. Họ không thể để nhà máy bỏ không, trong khi lại bị đối tác phạt vì không đảm bảo được hợp đồng xuất khẩu do thiếu nguyên liệu. Tuy vậy, tâm lý người Việt Nam chưa thật “thông” về việc nhà máy đi mua nguyên liệu của nước khác, trong khi để mặc người dân trong nước tự xoay sở sinh nhai. Việc nhập khẩu nguyên liệu đã được các tỉnh và người nuôi cảnh báo sẽ dẫn đến việc người nông dân không còn hào hứng với các nhà máy. Diện tích nuôi trồng đang suy giảm mạnh. Theo VASEP, đầu năm 2014 này, lượng thức ăn cho tôm, cá tiêu thụ mỗi tháng đang giảm 60% so cùng kỳ 2013, điều này đã phản ảnh một thực tế hiện nay là người dân thực sự không còn mặn mà với công việc nuôi trồng thủy hải sản.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang thiếu nguyên liệu trầm trọng – Ảnh: An Đăng
Về phía các nhà máy sản xuất cho biết, việc đầu tư vào vùng nguyên liệu đòi hỏi vốn lớn, lợi nhuận lại không cao. Việc vay vốn ngân hàng hiện không dễ dàng gì. Một giám đốc công ty chế biến chia sẻ: “Công ty chế biến xuất khẩu mọc lên như nấm, nhưng số đầu tư vào đầm tôm nguyên liệu rất nhỏ”.
Còn về phía người sản xuất, sau dịch bệnh, sau những mùa rớt giá, người nông dân ĐBSCL, theo đánh giá của vua tôm Sáu Ngoãn: “Họ gần như kiệt sức. Lúc thua lỗ, không ai đứng ra giúp họ. Cơ hội để khôi phục sản xuất, phát triển sản xuất sau mỗi mùa thua lỗ là không nhiều”. Bản thân bác Sáu Ngoãn cũng phải rất khéo co kéo, tự đầu tư cho vùng nuôi của mình mới tồn tại được. Bác nói: “Giá đầu vào tăng quá cao mà giá đầu ra lại rất phập phù. Chưa kể nhiều sản phẩm sinh học, thức ăn, giống … không tốt, không được kiểm định, khiến dân nuôi thất bại, chán nản”.
Người nông dân phải là trung tâm
Gần đây, một số doanh nghiệp phàn nàn rằng, tư thương nước ngoài, cụ thể là tư thương Trung Quốc đã và đang “tìm đến tận ao tôm thu mua nguyên liệu”. Tình trạng nuôi trồng thua lỗ kéo dài ở Trung Quốc khiến nông dân của họ lao đao bỏ ao, thiếu nguyên liệu, các ông chủ Trung Quốc đánh đường sang Việt Nam vơ vét tôm nguyên liệu. Một số người phấn khởi cho rằng, nhờ vậy giá tôm nguyên liệu tăng cao, kích thích được sản xuất. Thậm chí có chủ đầm còn tuyên bố xanh rờn: “Chúng tôi sẽ bán tôm cho Trung Quốc như một giải pháp cứu cánh, hữu hiệu”. Nhưng nhìn mặt khác, việc Trung Quốc thu gom nguyên liệu dẫn đến sản xuất của Việt Nam đình đốn. Quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi lợi nhuận đã bị phá vỡ khi hơn 500 nhà máy hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định rằng, chủ trương “Cánh đồng mẫu lớn” và sản xuất theo chuỗi là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy vậy, việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ở Việt Nam còn rất chậm. Chủ yếu mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân quá mờ nhạt. Vai trò của người nông dân trong xã hội hiện đại vẫn chưa được xác lập về phương diện kinh tế và xã hội. Người ta thường đánh giá cao các “đại gia”, những người có gia sản ngàn tỷ đồng, mà quên đi rằng chính những người nông dân nhỏ nhoi, nhưng mỗi người có trong tay 0,3 – 1 ha, tổng cộng số tài sản của nông dân hoàn toàn không nhỏ. Không chỉ có đôi bàn tay, khối óc, mà họ còn có ruộng đồng, có kinh nghiệm, có tình yêu với công việc, kinh nghiệm với canh tác. Song, họ giữ vai trò như thế nào trong chuỗi cung ứng hiện nay? Chưa ai trả lời được. Nhiều nông dân thường hay nói nửa đùa nửa thật: “Chúng tôi đi làm thuê cho nhà máy”.
Muốn xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, trước hết phải xác lập được vị trí của người nông dân trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Giáo sư Võ Tòng Xuân rất tâm đắc với ý tưởng biến nông dân thành các cổ đông của các nhà máy. Chỉ có thế họ mới tập trung phát triển vùng nguyên liệu, để thu được lợi nhuận từ nhiều khâu, chứ không chỉ từ việc bán tôm cá đơn thuần. Từ đó họ sẽ không bỏ ruộng hoang, không bán cho nhà máy nguyên liệu kém chất lượng còn nguyên liệu tốt lại bán cho các đầu nậu. Giáo sư nói: “Người nông dân có thể góp vốn bằng đất đai của họ để trở thành các cổ đông”.
Việc xây dựng vùng nguyên liệu, như vậy không chỉ phụ thuộc vào vốn, vào đất đai, mà còn phải dựa vào chính sách và sự liên kết từ người nông dân đến với các nhà máy. Xây dựng vùng nguyên liệu cần một chính sách vĩ mô, liên quan từ bộ luật đất đai đến vấn đề sở hữu, tư hữu, liên kết, cổ phần hóa trong nông nghiệp. Để thoát ra khỏi tình trạng nguyên liệu lúc thừa lúc thiếu, chất lượng không đồng đều, chắc chắn sẽ cần những sự quan tâm thích đáng hơn đối với vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu nhằm nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cùng có lãi trong bối cảnh diện tích canh tác đang thu hẹp dần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
>> Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP khẳng định, thách thức lớn nhất trong năm 2014 vẫn từ khâu nuôi trồng, khâu nguyên liệu. Phải kiểm soát chặt ngay từ khâu con giống làm sao sản phẩm của chúng ta đảm bảo an toàn thì mới duy trì được tốc độ xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm thủy sản Việt Nam có sức cạnh tranh tốt. |