Chính phủ vừa ban hành nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong các đối tượng được xem xét cho vay, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và chủ trang trại được ưu đãi vay số tiền lớn.
Vai trò lớn
Việt Nam hiện có khoảng 11 triệu hộ nông dân sản xuất theo hình thức kinh tế hộ, tạo ra lượng nông sản lớn. Nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, từng người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không bao giờ có được sự cạnh tranh tốt với thị trường trong xu thế hội nhập. Muốn có sản phẩm tốt, đồng đều, quản lý được chất lượng và hiệu quả, người nông dân phải hợp tác và liên kết với nhau. Do vậy, rất cần vai trò của hợp tác xã (HTX) kiểu mới, nhằm kết nối những người sản xuất và giữa các hộ kinh tế với nhau, từ đó có được tiếng nói chung để tạo ra các sản phẩm đồng đều và chất lượng tốt; đặc biệt HTX là đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp nhằm tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Chúng ta đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn rất ít do không thể ký hợp đồng với từng hộ. Chính vì vậy, việc có một HTX đứng lên làm đại diện để ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp là rất hợp lý. Và với vai trò của HTX, việc thương lượng giá cả có lẽ sẽ tốt hơn, ổn định hơn.
Hợp tác xã nuôi ngao Giao Thủy, Nam Định – Ảnh: Huy Hùng
Một số chuyên gia kinh tế đã đánh giá, HTX là con đường phù hợp nhất với những người sản xuất nhỏ, nhằm thoát khỏi lối sản xuất manh mún, cùng nhau tổ chức sản xuất lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động ở khu vực HTX nông nghiệp trung bình 0,7 – 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, hiện nay các HTX nông nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ngân hàng; vì không có tài sản thế chấp, thiếu cơ chế hỗ trợ nên nhiều năm qua mô hình HTX vẫn chưa thể tạo nên kỳ tích.
Gỡ khó
Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ 1/8/2015, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP 12/4/2010. Trong đó, các tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật; ưu đãi đặc biệt các HTX, liên hiệp HTX, chủ trang trại. Chẳng hạn, tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ, các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Với quy định vay vốn tại nghị định này, đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm chỉ phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có tranh chấp do UBND xã xác nhận. Tuy nhiên, có một băn khoăn là liệu đã hoàn toàn hanh thông khi hiện nay nội lực của hầu hết các HTX vẫn yếu và vẫn chưa đủ lớn để thuyết phục được các tổ chức tín dụng. Cho dù vậy, với nguồn vốn vay tăng như hiện nay, có thể nói đã phần nào gỡ khó cho các HTX nông nghiệp, đặc biệt trong thủy sản, khi lĩnh vực này đang ngày càng khó khăn do thời tiết bất lợi và thị trường nhiều biến động.
>> Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2014, cả nước có 10.446 HTX nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp (riêng thủy sản 601 HTX). |