Người tiên phong mở biển tại Vân Đồn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Biển Vân Đồn rộng lớn, người Vân Đồn đã quá quen với nghề biển. Từ vùng biển rộng lớn và trù phú này, rất nhiều hộ gia đình có cuộc sống khá giả hơn. Nhằm giúp người dân yên tâm nuôi biển, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy phép nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển cho 6 đơn vị giai đoạn 2020 – 2050, trong đó có HTX Nuôi trồng thủy sản Trung Nam.

Để có khu giàn nuôi hàu rộng 2 ha trên vùng biển mênh mông, anh Ngô Nam Trung người sáng lập HTX đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết. Sinh ra và lớn lên tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, anh Trung có hơn 20 năm làm việc cho các đơn vị nuôi cấy ngọc trai trên biển. Năm 2020 anh cùng một số bạn bè thân thiết thành lập HTX tổ chức nuôi biển. 

Theo hồ sơ cấp phép, diện tích mặt biển được HTX NTTS Trung Nam sử dụng để NTTS là 62 ha, tại khu vực biển xã Đông Xá và xã Bản Sen, huyện Vân Đồn. Đối tượng nuôi là các loại thủy sản như cá song, ốc hương, hàu, ngao… Hiện toàn bộ diện tích sản xuất của HTX dùng để nuôi hàu đại dương, sản lượng ước đạt 150 tấn/ năm, doanh thu lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Khoảng 10 năm trước, nuôi biển đã manh nha ở Vân Đồn. Tuy nhiên, khi đó chủ yếu là nuôi tu hài, mặt biển rộng mênh mông chỉ có vài hộ nuôi. Thời kỳ nở rộ đánh bắt, khai thác hải sản tự nhiên, khai thác kiểu tận diệt, đến mức có những buổi ngư dân ra khơi, khi trở về thuyền không có nổi con tôm, con cá. Khi đó, nhiều hộ đã phải bán tàu, bán thuyền để trả nợ, vì một chuyến đi biển không đủ trả tiền chi phí xăng dầu. 

Mô hình nuôi hàu biển hiệu quả cao của HTX Nuôi trồng thủy sản Trung Nam, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Thùy Khánh

Đến giai đoạn nuôi hải sản tự phát, vật nuôi nào có giá là người dân đổ xô chạy theo, không có định hướng, kế sách bền vững… Đầu tiên là nuôi con tu hài, sau đó đến nuôi ngao. Vụ trước được ăn, vụ sau mất trắng. Tiếp đến con hàu, thời gian đầu nuôi có lãi, cả huyện bảo nhau chuyển sang nuôi hàu, vì không phải đầu tư thức ăn, cứ làm bè lồng nuôi thả, đến vụ thì thu hoạch, nuôi hàu một vốn bốn lời. Vào giai đoạn đại dịch COVID-19, hàu không bán được, giá bị đẩy xuống cực điểm chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhiều người dân Vân Đồn lại tiếp tục vỡ nợ. 

Sau rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, anh Trung và nhiều người dân Vân Đồn hiểu được “Nuôi biển mới là mục tiêu chính, bền vững và lâu dài”. Lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với vùng biển ở địa phương và nhu cầu của thị trường, đã được mọi người tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng hơn. 

Anh Trung kể: Thời gian gần đây, con hà, con vẹm xanh đã xuất hiện trở lại. Điều đó chứng tỏ, biển đang hồi sinh. Trước đó mấy năm, biển bị ô nhiễm nặng, vẹm, hà không sống nổi. Đó là mặt trái của nuôi biển ồ ạt không có định hướng, mạnh ai nấy làm, sử dụng các vật liệu gây hại cho biển, khiến tầng nước nổi bị ô nhiễm. 

Hiện nay, hơn 2 ha nuôi hàu thả lưới của anh Trung đang xuống con giống, nằm trong vùng nước kín ở xã đảo Bản Sen. Đây là một trong số những khu bè đang nuôi hàu dây, nằm trong khu vực 62 ha mặt nước biển được Quảng Ninh giao mặt nước lâu dài, thời hạn lên tới 30 năm, sau đó tiếp tục được gia hạn đến 50 năm. Trước cơ chế giao biển của tỉnh, anh Trung rất phấn khởi bởi khi cầm “bìa đỏ trên mặt nước”, sẽ tránh được những tranh chấp phát sinh, không bị chồng lấn các dự án; đảm bảo an toàn, an ninh trên biển. 

Khi nuôi biển có quy hoạch, có định hướng đúng, đảm bảo có xuất xứ về nguồn gốc vật nuôi, lúc bán hàng thương phẩm sẽ có mã số vùng nuôi trồng hải sản, từ đó trở thành một công đoạn trong mắt xích của chuỗi tuần hoàn nuôi biển, góp phần nâng cao giá trị kinh tế. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!