(Thủy sản Việt Nam) – Hải Dương là xã vùng ven biển đầm phá thuộc thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế, diện tích mặt nước 320 ha. Đầm phá có độ mặn thích hợp cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng như cá hồng, cá mú, và đặc biệt là cá chẽm.
Toàn xã Hải Dương hiện có 550 lồng cá, 80% trong số đó là cá chẽm được vì nguồn giống dễ mua, được cung cấp từ Nha Trang, Vũng Tàu… Hơn nữa, cá thịt rất dễ tiêu thụ, thương lái từ các tỉnh Khánh Hòa, Đà Nẵng thường đến hợp đồng mua với số lượng lớn để chế biến xuất khẩu. Ngoài đặc điểm ít bệnh tật, tỷ lệ sống cao (hơn 80%), cá chẽm còn có độ muối rộng nên về mùa lụt không bị sốc nước ngọt, do vậy tỷ lệ sống cao hơn so với cá mú, cá hồng (là cá nuôi truyền thống trước đây của xã).
Hiện nay trong xã có 2 cơ sở ương giống của 2 chi hội. Cá giống ương được khoảng 6-7cm thì chuyển ra lồng, mỗi lồng thả 500 con, thời gian nuôi từ 10 – 12 tháng cá sẽ đạt trọng lượng trên 1 kg, thuận tiện trong tiêu thụ. Thức ăn chủ yếu cho cá chẽm là cá tạp, trung bình 2,7-3 kg thức ăn tươi thì cho 1 kg cá thịt, giá mua cá thức ăn trên thị trường bình quân khoảng 7.000 đồng/kg. Theo Chi hội Nghề cá Hương Giang, xã Hải Dương, nuôi 1.000 con cá chẽm trong 2 lồng từ 10 – 12 tháng, sau khi trừ các chi phí giống, thức ăn, công chăm sóc và các khấu hao, lợi nhuận mang lại khoảng 30 triệu đồng, như vậy trung bình 1 lồng lãi 15 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi cá chẽm tại xã Hải Dương đang cho hiệu quả cao Ảnh: Thanh Nhã
Để có được thành công mô hình nuôi cá chẽm tại xã Hải Dương, các chuyên gia nghiên cứu trong ngành thủy sản đóng góp không nhỏ trong việc định hướng phát triển và hỗ trợ như: Quy hoạch vùng nuôi, số lượng lồng nuôi, đối tượng nuôi… Ngoài việc tập huấn kỹ thuật nuôi cá chẽm, các chuyên gia còn đem về những mô hình nuôi ở một số xã (từ khuyến ngư và các dự án khác). Bên cạnh đó, hội nghề cá cũng là kênh thông tin chuyển tải kịp thời về thị trường giá cả, con giống… cho các hộ nuôi.
Ông Nguyễn Lương Hiền – Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên – Huế bày tỏ, để bà con nuôi cá chẽm có hiệu quả và mô hình được nhân rộng hơn, đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ một số vấn đề như: Quy hoạch chi tiết vùng nuôi trên phá, quy hoạch lồng nuôi, đối tượng nuôi…; Các mô hình nuôi cá chẽm bằng thức ăn công nghiệp để hạ giá thành sản phẩm, kiểm soát chất lượng tốt hơn, đảm bảo tiêu chuẩn nuôi sạch; Bước đầu hỗ trợ cơ sở chế biến thức ăn nhỏ để thuận tiện cho việc nuôi và quản lý chất lượng sản phẩm…
Thanh Tuấn