Ghi nhận tại 4 tỉnh miền Trung chịu tác động sự cố ô nhiễm môi trường biển cách đây 1 năm, đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc đền bù cho người dân.
Tính đến cuối tháng 6, tại Hà Tĩnh, tổng giá trị bồi thường thiệt hại được UBND tỉnh phê duyệt là hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, cấp huyện đã chi trả 1.266 tỷ đồng, còn 171,2 tỷ đồng chưa chi do mới phê duyệt, một số đối tượng đang soát xét lại do hồ sơ nuôi trồng thủy sản chưa hoàn thiện. Một số đối tượng chưa được phê duyệt bồi thường, thuộc các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân phải hoàn thành phê duyệt hồ sơ trước 30/6.
Là địa phương thực hiện hỗ trợ cho ngư dân từ sớm, tính đến 29/6, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có 5 huyện, thị xã (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc) cơ bản hoàn tất việc giải quyết bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại. Địa phương được cấp 1.010 tỷ đồng, chia thành 4 đợt chi trả. Hiện, các địa phương đã giải ngân khoảng 920 tỷ đồng (trong số hơn 950 tỷ đồng được UBND tỉnh phê duyệt chi trả cho 43.573 đối tượng) và đang rà soát các đối tượng còn lại để chi trả.
Trong khi đó tại Quảng Trị, UBND tỉnh đã tạm cấp 679,208 tỷ đồng, đến nay các địa phương đã chi trả hơn 90%. Còn tại Quảng Bình, trong số hơn 2.571 tỷ đồng đã phê duyệt, tỉnh giải ngân hơn 2.352 tỷ đồng. Có 7 địa phương trong diện được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Đồng Hới, Ba Đồn.
Mặc dù việc đền bù được đánh giá là thỏa đáng và kịp thời, đã giúp người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, như kiến nghị của một số địa phương, có một nhóm đối tượng bị thiệt hại vẫn chưa được Chính phủ đưa vào quy định để đền bù, là nhà hàng, khách sạn ven biển. Theo quy định, đối tượng này nếu ở khu du lịch thì được bồi thường, còn nằm ngoài khu du lịch thì không được bồi thường, nên nhiều người rất khó khăn. Hoặc một số vấn đề khác như tại Quảng Trị, việc xử lý hải sản tồn kho do chưa có sự thống nhất về thời điểm kiểm kê, mẫu kiểm nghiệm, hướng dẫn tiêu hủy của các Bộ (Y tế, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT) nên tỉnh còn tồn 1.200 tấn hải sản đông lạnh chưa tiêu thụ và bồi thường…
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong quá trình giải quyết bồi thường cho người dân, có ý kiến đề nghị bổ sung các đối tượng lao động bán hàng đơn giản, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng… UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, chính quyền địa phương liên quan giải quyết, trả lời cụ thể cho người dân… Tại một số nơi, địa phương đang nghiên cứu đề xuất “gia hạn”. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan lắng nghe thắc mắc của người dân, đối chiếu với các quy định, chỉ đạo của Chính phủ để giải thích hoặc giải quyết. Những thắc mắc này tỉnh sẽ tiếp thu, nếu cần sẽ có báo cáo với Thủ tướng chính phủ.
Tuy nhiên, vấn đề lo lắng nhất của ngư dân các địa phương trên là tìm kế sinh nhai trong thời gian tới; bởi, khi ra khơi, đánh bắt được rất ít cá. Như nhiều ngư dân tỉnh Thừa Thiên – Huế tâm sự, đi biển trước đây mỗi đêm có 500.000 đồng, nay chỉ còn 70.000 – 100.000 đồng, phần lớn ngư dân chuyển sang câu mực, nhưng được thời gian ngắn.