T2, 06/07/2020 01:01

Thế giới 365 ngày

Chưa có đánh giá về bài viết

365 ngày trong năm 2017 là những mảng sắc màu đầy biến động, là năm của hàng loạt biến động chính trị diễn ra trên khắp thế giới. Hãy cũng điểm qua những hình ảnh ấn tượng nhất trong năm qua.

1. Kinh tế toàn cầu khởi sắc


Bất chấp những tác động không thuận như xu hướng bảo hộ, kinh tế thế giới năm 2017 tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, đạt 3,6%; thương mại toàn cầu tăng 4,2%, mức kỷ lục trong 10 năm. Đà tăng trưởng này cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2018 (theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 3,7%). Các thị trường chứng khoán toàn cầu cũng khởi sắc, điển hình là thị trường chứng khoán Mỹ liên tục phá vỡ các kỷ lục, trong đó chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt đỉnh 24.000 điểm. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, kinh tế số phát triển nhanh với việc nhiều quốc gia chuyển từ “xem nhẹ” sang chủ động tiếp cận và trở thành đầu tàu vận hành cuộc chơi mới để giành lợi thế. Ảnh: TIMES

2. Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ


Ngày 20/1/2017, tỷ phú Donald Trump nhậm chức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sau cuộc bầu cử đầy bất ngờ. Ông Trump thể hiện sự khác biệt với những người tiền nhiệm khi quyết liệt thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, khiến nhiều đồng minh và đối tác trên thế giới thấp thỏm suốt cả năm. Trong khảo sát của Pew hồi tháng 6 ở 37 quốc gia, chỉ 22% người được hỏi cho rằng ông Trump đã làm đúng trong các vấn đề quốc tế, so với tỷ lệ 64% của người tiền nhiệm Barack Obama. Ảnh: REUTERS

3. Khủng hoảng kinh tế ở Venezuela


Một người biểu tình bốc cháy trong cuộc đụng độ với cảnh sát nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Caracas hồi tháng 5/2017. Kế hoạch thay đổi Hiến pháp và những nghi ngờ thao túng bầu cử để tham quyền cố vị đã khiến ông Maduro phải hứng chịu sự phẫn nộ mạnh mẽ trong người dân. Ảnh: AFP

4. Syria trong cuộc nội chiến kéo dài


Anh Salah Skaff (25 tuổi) bên xác con gái mới 1 tuổi rưỡi của mình. Bé Amira Skaff thiệt mạng trong đợt không kích nhắm vào thành phố Douma (Syria), nơi bị lực lượng nổi dậy chiếm đóng. Hơn 400.000 người đã gục xuống ở Syria trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 tới nay và tính đến lúc này hòa đàm Syria vẫn chưa tiến triển. Ảnh: REUTERS

5. Triều Tiên thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay


Năm 2017 chứng kiến nhiều cái nhất trong chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Ngày 3/9/2017, Triều Tiên thử bom hạt nhân tương đương 120 kiloton, mạnh nhất trong lịch sử 6 lần thử. Ngày 29/11/2017, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, lần đầu tiên được các chuyên gia phương Tây thừa nhận có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un long trọng tuyên bố nước này thành cường quốc hạt nhân. Ảnh: REUTERS

6. APEC 2017 – thắng lợi của Việt Nam và thương mại tự do


Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra từ ngày 6 – 11/11/2017 tại Đà Nẵng với hàng loạt sự kiện nhóm họp quan trọng của lãnh đạo các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện này đã gây sự chú ý đông đảo của giới truyền thông quốc tế với nhiều góc nhìn nhận, đánh giá với các vần đề như: Cuộc “hồi sức TPP”, đối phó với chủ nghĩa bảo hộ và hàng loạt các ký kết quan trọng. Đây chính là cơ hội để APEC nói chung và mỗi nền kinh tế của APEC nói riêng tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, tạo ra một tầm nhìn mới cho châu Á – Thái Bình Dương. Tầm nhìn ấy không chỉ là trong kinh tế – thương mại, mà xa hơn là sự ổn định, tăng trưởng, hòa bình và thịnh vượng cho toàn cầu.

7. Sự kiện Catalonia tuyên bố độc lập


Khoảnh khắc hồi hộp của hàng nghìn người dân Catalonia tại Thủ đô Barcelona khi chờ đợi kết quả về việc tuyên bố độc lập với Tây Ban Nha. Tuyên bố độc lập này ngay lập tức đẩy khu vực này vào tình trạng bất ổn chính trị chưa thể giải quyết. Sự kiện Catalonia tuyên bố độc lập cũng phản ánh giai đoạn khó khăn và chia rẽ tại châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng, cũng như báo hiệu mức độ lan tỏa đáng lo ngại của làn sóng chủ nghĩa dân tộc. Ảnh: REUTERS

8. Chiến dịch chống ma túy đầy bạo lực tại Philippines


Chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, với số người chết được cho lên đến hàng chục nghìn. Vấn đề này bị báo chí phương Tây chỉ trích gay gắt, dù có không ít thông tin cho biết đông đảo người dân trong nước vẫn ủng hộ Tổng thống nước này. Trong ảnh, những đứa trẻ chạy ngang thi thể của một người bị cảnh sát Manila giết vì tình nghi buôn bán ma túy. Ảnh: AFP

9. Khủng bố gia tăng trên Thế giới


Hình ảnh chiếc Air Force 1 của Tổng thống Mỹ “bay ngang” cửa sổ phòng khách sạn Mandalay Bay (Las Vegas). Tại đây, kẻ sát nhân Stephen Paddock đã xả súng xuống một nhạc hội với hơn 22.000 người tham dự, giết chết 58 người và làm 546 người khác bị thương. Ảnh: REUTERS

10. Núi lửa Agung “thức giấc”


Núi lửa Agung “thức giấc” đã khiến du lịch của đảo Bali, Indonesia điêu đứng. 24.000 người phải di tản và sân bay đóng cửa nhiều ngày khiến khách du lịch bị mắc kẹt trên đảo. Ảnh: REUTERS

Nghĩa Dương (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!